Nhiều giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, cơ sở vật chất từ địa phương

TP
Ngày 22/7, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở giáo dục đào tạo năm 2024.

Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, đề xuất phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Giám đốc, Phó Giám đốc và lãnh đạo các phòng chức năng của 63 Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, đại diện các cơ sở đào tạo sư phạm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì phần thảo luận tại hội nghị. Ảnh: MOET.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì phần thảo luận tại hội nghị.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, thầy Trần Thế Cương cho biết thành phố có 2.913 trường học, tăng 39 trường so với năm ngoái và hơn 2,3 triệu học sinh. Năm học vừa qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã luôn cố gắng để đảm bảo chất lượng giảng dạy và có những bước đi khởi sắc.

Trong đó, một số vấn đề của ngành giáo dục như đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, phát triển mô hình các trường chất lượng cao, phát triển giáo dục mũi nhọn của thành phố, các quy định về quy chuẩn trường học, dịch vụ trong giáo dục… đã được quy định tại Luật Thủ đô, qua đó tạo điều kiện cho giáo dục Hà Nội phát triển.

Thầy Trần Thế Cương, Giám đốc Sở giáo dục đào tạo Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: MOET.
Thầy Trần Thế Cương, Giám đốc Sở giáo dục đào tạo Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, năm học 2023-2024, thành phố đã hoàn thành mục tiêu giáo dục đầu năm học đề ra, đặc biệt là kết quả sau 10 năm thực hiện đề án giảng dạy tiếng Anh. Trước đây, khi chưa thực hiện đề án chưa tới 10% giáo viên tiếng Anh đáp ứng được chuẩn quốc tế. TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cần có những quy định, chính sách bổ sung đối với một số ngành dịch vụ giáo dục để các sở có điều kiện cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, vấn đề lớn nhất của địa phương hiện nay là thiếu giáo viên. Nhằm khắc phục khó khăn đó, ngành giáo dục đã triển khai các phương án dạy liên cấp, liên trường, trực tiếp kết hợp trực tuyến để đáp ứng yêu cầu dạy, học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Còn Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, cô Nguyễn Hoài Thúy Hằng cho biết, Hậu Giang là một tỉnh mới, có quy mô nhỏ, còn nhiều khó khăn. Do đó, thiếu giáo viên, khó tuyển dụng giáo viên là nỗi trăn trở của ngành giáo dục địa phương.

Để thu hút được giáo viên, Sở đã tham mưu với Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về đãi ngộ và cam kết đối với giáo viên tuyển mới, đặc biệt là giáo viên ở các bộ môn Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật. Vì vậy, trong năm qua, Sở đã thu hút được 66 giáo viên đảm nhận 4 môn học này.

Thầy Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho hay, một trong những kết quả quan trọng của ngành giáo dục Nghệ An trong năm học qua là tổ chức rà soát, sắp xếp hệ thống trường lớp, đặc biệt là sắp xếp sát nhập các điểm trường lẻ. Trước đây, do địa bàn rộng, toàn tỉnh có hàng nghìn điểm trường lẻ, sau khi thực hiện sắp xếp, đến nay, tỉnh Nghệ An chỉ còn hơn 900 điểm trường.

Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận một số việc cụ thể mà các địa phương đã tích cực thực hiện đạt hiệu quả trong năm học vừa qua như tìm tòi, có nhiều sáng tạo về chính sách phù hợp với đặc thù địa phương; nỗ lực tuyển dụng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; nỗ lực tham mưu địa phương đầu tư cơ sở vật chất; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, các hoạt động dạy học…

Bên cạnh đó Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra cũng những khó khăn, tồn tại cần khắc phục và nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp của toàn ngành trong năm học 2024-2025.

Theo Bộ trưởng, năm học 2024-2025 là năm với rất nhiều những yêu cầu, nhiệm vụ và thời điểm hết sức quan trọng của ngành. 

Để thực hiện triển khai có hiệu quả các mục tiêu đặt ra cho năm học mới, Bộ trưởng đề nghị các Sở tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, Quốc hội; Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 29; từ đó ban hành kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể triển khai tại địa phương.

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: MOET.
Đại biểu tham dự hội nghị. 

Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị điều kiện mọi mặt để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Với nhiệm vụ này, Bộ trưởng lưu ý cụ thể các địa phương về triển khai tuyển sinh lớp 10, chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về phương diện xây dựng thể chế, Bộ trưởng lưu ý lãnh đạo các Sở tiếp tục quan tâm góp ý cho các dự thảo văn bản; trong đó, trước hết là thảo luận góp ý thật sâu, đầy đủ, toàn diện cho Luật Nhà giáo và chuẩn bị tinh thần, điều kiện để chủ động thực hiện các nội dung của Luật Nhà giáo nếu được thông qua, ban hành.

Năm học 2024-2025 là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, do đó, Bộ trưởng đề nghị các Sở lưu ý tham mưu lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó là tham mưu bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%.

Nhấn mạnh ưu tiên và tập trung cao cho đổi mới giáo dục phổ thông các lớp cuối cấp, Bộ trưởng đồng thời đề nghị các Sở tiếp tục tham mưu địa phương quan tâm đầu tư, hiện đại hoá cơ sở vật chất, chuẩn bị phương án để bảo đảm kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục đến năm 2030; phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, quan tâm phát triển các trường dân tộc nội trú, giáo dục dân tộc...

Ngoài ra, cần lưu ý việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh trên cơ sở tự nguyện, kiến nghị các chính sách để bảo đảm quyền đươc lựa chọn của người học; tham mưu cho địa phương và chính Sở cần điều chỉnh các quan niệm và hoạt động để giảm bệnh thành tích; quan tâm tới đội ngũ hiệu trưởng, quan tâm tới phụ huynh để phụ huynh ủng hộ, đồng hành, chia sẻ…

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nhiều giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, cơ sở vật chất từ địa phương tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Cảm xúc trong năm học mới

Năm học mới đến luôn mang theo biết bao niềm vui và cảm xúc. Chúng mình cùng lắng nghe các cây bút nhỏ bốn phương kể về những ngày tựu trường khó quên nào!

Đón em vào lớp 1

Năm học 2024-2025, trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) chào đón 230 bạn nhỏ vào lớp Một. Để giúp những “tân binh nhí” mau chóng làm quen với ngôi trường mới, các thầy cô giáo đã tổ chức chương trình Vui mừng chào đón các con học sinh lớp 1 cực sôi nổi và ngập tràn yêu thương.

Chủ động bước vào năm học mới

Làm thế nào để có thể thu được nhiều thành quả tốt đẹp trong năm học mới này nhỉ? Mời các bạn cùng lắng nghe cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) bật mí một số “bí kíp” quan trọng nhé!