Chuyên gia nói về “Thử thách Momo”: Quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức của trẻ em

Huệ Anh
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững đã bày tỏ những rủi ro khó lường về trò chơi nguy hiểm “Thử thách Momo”.

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng liên tục bày tỏ sự hoang mang, lo lắng khi mạng xã hội video YouTube – thậm chí là YouTube Kids – liên tục xuất hiện những video lồng ghép nội dung phản cảm, xúi giục trẻ em tự làm hại bản thân mang tên “Thử thách Momo”.

Theo đó, “nhân vật” Momo sẽ xuất hiện với một hình tượng một người phụ nữ đầu người, mình gà, mái tóc đen xơ xác, làn da nhợt nhạt cùng đôi mắt trố lồi ghê rợn. Momo sẽ “hướng dẫn” và thậm chí là doạ nạt khiến trẻ em có các hành động nguy hiểm như dùng dao, kéo tự làm tổn thương cơ thể và thậm chí là tự sát.

"Thử thách" Momo đang trở thành nỗi hoang mang của người dân toàn cầu

Trao đổi về vấn đề này trên ICTnews, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho biết, những rủi ro trên Internet ngày càng khó lường khi liên tục xuất hiện các trò chơi nguy hiểm như “Thử thách Cá voi xanh” (hướng dẫn người chơi tự sát qua smartphone) và nay là “Thử thách Momo” cũng hướng tới những hành vi nguy hiểm.

Theo Viện trưởng, người lớn không thể theo sát trẻ liên tục, đồng thời việc bảo các em không tham gia một trò chơi nào đó rất khó vì độ tuổi này có sự tò mò cao. Vấn đề quan trọng là phải nâng cao ý thức của trẻ, để trẻ tự ra quyết định xem trò chơi đó có gây hại không và không tham gia. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng phải tìm cách đưa ra lời khuyên cho trẻ, cùng trẻ tìm hiểu và phân tích những mối nguy hiểm có thể xảy ra.

Nhiều trang, nhóm trên Facebook được tạo ra để ủng hộ thử thách này khiến cộng đồng phẫn nộ

Bà Nguyễn Phương Linh cũng nhấn mạnh, để ngăn chặn triệt để những trò chơi như vậy cần sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, đặc biệt là gia đình và nhà trường – những người gần trẻ em, có cơ hội hỏi trẻ hàng ngày để biết trẻ có tham gia, bị lôi kéo vào trò chơi nguy hiểm hay không. Ngoài ra, cơ quan chức năng và doanh nghiệp công nghệ phải cùng vào cuộc hỗ trợ ngăn chặn, cung cấp thông tin truyền thông cho cộng đồng rộng rãi để mọi người có thể biết được, hỗ trợ trẻ một cách tốt nhất.

Một chuyên gia khác cũng cho hay, trẻ em là đối tượng đầu tiên và dễ bị tác động nhất trước sự phát triển rầm rộ của Internet, YouTube, Facebook và smartphone như hiện nay. Việc lạm dụng các nhân vật hoạt hình dành cho lứa tuổi thiếu nhi là điều không thể chấp nhận được. Do đó, Facebook với trách nhiệm xã hội của mình cũng cần xem xét loại trừ những hội nhóm tuyên truyền, cổ động trào lưu nguy hiểm này trên hệ thống.

Trang Telegrap dẫn lại một số lời khuyên được cảnh sát Anh đưa ra để phụ huynh bảo vệ con mình và cũng là cách giúp trẻ an toàn hơn trong môi trường trực tuyến:

- Phải đảm bảo biết được trẻ truy cập gì trên Internet.

- Đảm bảo cho trẻ biết được tầm quan trọng của thông tin cá nhân và không trao nó cho bất kỳ ai không quen biết.

- Hãy cho trẻ biết không ai có quyền yêu cầu chúng phải làm những điều mà chúng không muốn.

- Cài đặt và sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên smartphone và máy tính để giữ an toàn cho trẻ.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói về “Thử thách Momo”: Quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức của trẻ em tại chuyên mục Hi-Tech của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Hi-Tech khác