Chuyên gia y tế nói gì về việc tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ 4, liệu có tăng khả năng bảo vệ?

Minh Hồng
Nghiên cứu sơ bộ của Israel cho thấy mũi thứ 4 khó có thể tăng cường khả năng bảo vệ con người khỏi việc nhiễm bệnh.

Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 12/2 cho thấy liều tăng cường vaccine COVID-19 hay mũi 3 sẽ giảm tác dụng sau khoảng 4 tháng.

Cụ thể, độ bảo vệ của vaccine giảm từ 69% xuống còn 37% trong vòng hai tháng sau liều thứ hai. Liều tăng cường nâng mức bảo vệ lên 87%. Song 4 tháng sau, liều tăng cường giảm hiệu quả xuống còn 66%. Tỷ lệ này tiếp tục giảm còn 31% trong tháng thứ 5.

Nghiên cứu cho thấy vaccine giảm hiệu quả ngăn ngừa bệnh nặng ở người trên 65 tuổi, song vẫn có thể bảo vệ người trẻ, có sức khỏe tốt. Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng những người có nguy cơ biến chứng hoặc tử vong cao có thể cần đến liều thứ tư. 

Chuyên gia y tế nói gì về việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 4, liệu có tăng khả năng bảo vệ? - Ảnh 1
Nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai tiêm vaccine COVID-19 liều thứ 4 để đối phó biến thể Omicron.

Còn theo một nghiên cứu sơ bộ từ Israel công bố hôm 15/2, đối với dân số nói chung, mũi thứ 4 khó có thể tăng cường khả năng bảo vệ họ khỏi việc nhiễm bệnh. Nghiên cứu cho thấy, mũi thứ 4 của cùng một loại vaccine - trong trường hợp này là Pfizer-BioNTech hoặc Moderna - cung cấp rất ít khả năng bảo vệ chống lại nhiễm bệnh so với 3 mũi.

“Không phải liều thứ 3, không phải liều thứ 4, không phải liều thứ 5 sẽ ngăn chặn nhiễm bệnh lâu dài", Tiến sĩ Gili Regev-Yochay, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba ở Tel HaShomer, Israel, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Cũng theo tiến sĩ Regev-Yochay, không phải đối tượng nào, tiêm mũi thứ 4 cũng là vô nghĩa. Đối với những người lớn tuổi hoặc những người có nguy cơ cao, có thể cần thêm một liều để giúp duy trì khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng. Regev-Yochay nói. "Liều thứ tư có thể có vai trò bảo vệ chống lại bệnh nặng. Tôi đã xem dữ liệu sơ bộ về câu hỏi này".

Chuyên gia y tế nói gì về việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 4, liệu có tăng khả năng bảo vệ? - Ảnh 1

Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ Regev-Yochay đã tiêm mũi thứ 4 cho khoảng 300 nhân viên y tế bằng vaccine Pfizer hoặc Moderna và so sánh khả năng nhiễm bệnh với khoảng 400 nhân viên y tế chỉ được tiêm 3 mũi. Kết quả cho thấy, liều bổ sung làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh chỉ khoảng 10% đến 30%. Trong thời gian nghiên cứu 30 ngày, khoảng 20% ​​số người được tiêm thêm mũi tiêm thứ 4 đã bị nhiễm biến thể Omicron, so với khoảng 25% số người chỉ được tiêm 3 mũi. Liều thứ 4 dường như không kích hoạt các tế bào T, vốn rất quan trọng để loại bỏ nhiễm bệnh trong tương lai.

Regev-Yochay và các đồng nghiệp của bà kết luận rằng liều thứ 4 phục hồi một số khả năng bảo vệ đã mất sau lần tiêm thứ 3 nhưng không tăng cường miễn dịch hơn thế. Mặc dù các nhà khoa học không biết chính xác lý do tại sao liều thứ 4 không kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, nhưng một số người tin rằng vaccine hiện tại có thể không phải là công cụ tốt nhất để chống lại một biến thể có khả năng lây nhiễm như Omicron.

Các loại vaccine đang được sử dụng được thiết kế để chống lại các biến thể lưu hành vào năm 2020, rất khác với Omicron.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia y tế nói gì về việc tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ 4, liệu có tăng khả năng bảo vệ? tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác