Cô bạn 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học giờ ra sao?

Phan Thoa
Nếu như khi mới vào các cô giáo phải hướng dẫn, phục vụ thì giờ đây H. đã có thể tự phục vụ bản thân mình. Không chỉ có vậy, bạn ấy còn có tiến triển rất tốt trong việc học nghề hướng nghiệp.

Khám phá đưa tin, theo lãnh đạo Trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn, trong số 124 trẻ đang được nuôi dưỡng, giáo dục và điều trị tại trung tâm, cháu Võ Thu H. là trường hợp đặc biệt nhất, vì 123 cháu đều có gia đình, riêng H. thì không.

Ông Kiều Hữu Long – PGĐ trung tâm cho biết, trong suốt gần 1 năm qua, phía trung tâm cũng đã kết nối với UBND phường Hoàng Liệt để liên hệ với mẹ của H. nhưng mọi nỗ lực đều không thành. “Cho đến bây giờ, phía chính quyền cũng không biết mẹ cháu đã đi đâu”, vị lãnh đạo này nói.

Là người trực tiếp dạy cháu Võ Thu H., cô giáo Hà Thị Ngọc Thảo cho hay, hiện tại bạn ấy đang học chương trình lớp 2. So với khi mới vào trung tâm, H. đã có sự phát triển toàn diện cả về thể chất và nhận thức.

Theo lời của cô giáo Thảo, trước đây khi mới về trung tâm, do bị trầm cảm nên H. thường có biểu hiện sống thu mình, không chia sẻ với bất kể ai. Tuy nhiên, sau khi được trị liệu và học tập cháu đã có sự tiến bộ rõ rệt, đó là biết chia sẻ với bạn bè, tham gia phát biểu bài trong giờ học…

Chị Trần Thị Hồng N. và cháu Võ Thu H.

"Dự kiến trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi về khả năng hòa đồng của bạn ấy, đồng thời cho bạn học thêm 1 số nghề khác, H. thích hợp với nghề nào thì sẽ cho theo nghề đó", cô giáo chia sẻ.

Về sinh hoạt cá nhân, nếu như khi mới vào các cô giáo phải hướng dẫn, phục vụ thì giờ đây H. đã có thể tự phục vụ bản thân mình. Không chỉ có vậy, bạn còn có tiến triển rất tốt trong việc học nghề hướng nghiệp.

Cô Thảo cũng thông tin thêm, trước đây khi cho H. làm tăm, bạn thường nhét hết giấy vào trong hoặc để lộn đầu tăm. Nhưng bây giờ, bạn ấy  đã có thể tự làm hoàn thiện được một gói tăm.

Theo chia sẻ của H., hàng ngày bạn được các cô ở trung tâm dạy học môn Toán và Tiếng Việt, ngoài ra các thầy cô giáo còn dạy cho cách làm tăm tre. H cũng cho biết rất thích học vẽ và học nhạc. 

Tâm sự với chúng tôi, cô bạn nhỏ cho hay vẫn còn nhớ bố làm nghề cửa gỗ, còn mẹ đi bán hàng và nhớ được toàn bộ các thành viên trong gia đình từ các bác, đến các anh. H cho biết, ước muốn duy nhất của bạn ấy lúc này là được về nhà, “con nhớ mẹ và mong được về với mẹ, muốn được về ăn Tết với cả nhà” – H. nói.

Các cán bộ ở Trung tâm phục hồi chức năng Việt Hàn cũng mong muốn gia đình H. có sự kết nối và quan tâm đến bạn ấy, vì khi có sự phối hợp từ phía gia đình thì việc điều trị và giáo dục trẻ sẽ đạt được kết quả tốt.

Báo Gia đình Xã hội cho biết, sự việc của hai mẹ con bạn Võ Thu  H. (11 tuổi) được phát hiện từ năm 2014,  H. bị chính mẹ đẻ là chị Trần Thị Hồng N. (ở P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) nhốt trong nhà nhiều năm, không cho đi học nhưng mọi sự cố gắng tác động, khuyên giải đến nay đều không có hiệu quả. Sở LĐTBXH Hà Nội vẫn giao chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, tác động người mẹ và người thân cho bạn H. được đi học và giao lưu với cộng đồng nhưng đều không có tác dụng.

Chú Võ Quý H. (bố bạn Võ Thu H.), thường trú tại phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, bản thân chú  cũng bất lực không thể khuyên được vợ và cũng chỉ được nhìn con qua khe cửa.

Chú H. cho biết, chú là người bị vợ bỏ. Năm 2007 hai vợ chồng lấy nhau và được bố mẹ vợ cho miếng đất ở khu đô thị Bắc Linh Đàm để xây nhà.

Trong thời gian chung sống ban đầu, tình cảm vợ chồng không có gì phức tạp. Nhưng sau khi sinh đứa con đầu lòng là bạn H. ra đời, thì mẹ H bị bệnh trầm cảm, hoang tưởng.

Đến năm 2007, vợ chú đã làm đơn ly dị. Sau khi ra tòa được đúng 1 tuần thì cô N. bán nhà bỏ đi và ôm con sang bán đảo Linh Đàm.

Cũng trong thời gian này, gia đình nội ngoại và các cấp chính quyền đã vào cuộc để tìm giải pháp đưa cô N. đi khám chữa bệnh nhưng cô không chấp nhận và cho rằng cô đủ điều kiện sinh sống cũng như nuôi và dạy học cho con.

Sau đó, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, người mẹ cam kết sẽ cho con đến trường. Tuy nhiên, sau một lần lạc nhau H. được đưa về UBND phường Hoàng Liệt, còn người mẹ kể từ đó đến nay vẫn không thể liên lạc.

Do không có người giám hộ, H. được chính quyền sở tại đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội, rồi được chuyển đến Trung tâm phục hồi chức năng Việt Hàn (thuộc Sở Lao động Thương binh xã hội Hà Nội) để chăm sóc, học tập và tiếp tục điều trị.

Minh Anh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cô bạn 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học giờ ra sao? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.