Đề án sữa học đường: Phụ huynh thiếu thông tin, lo lắng chất lượng sữa được đưa đến với trẻ em

Chi Đặng
Trước khi đề án "Sữa học đường" được triển khai đại trà ở thành phố Hà Nội, nhiều bậc phụ huynh ở cấp mầm non và tiểu học lo lắng trước khi quyết định có cho con em mình uống sữa hay không.

Đề án "Sữa học đường" mang tính nhân văn và cơ sở khoa học

Theo Viện dinh dưỡng, giai đoạn tiền học đường và học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ; là giai đoạn tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì; giai đoạn có sự biến đổi nhanh cả về thể chất và tâm lí, nhưng cũng dễ mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng. Dinh dưỡng lứa tuổi học đường đóng vai trò then chốt ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai, trong đó chất đạm, chất béo và vi chất dinh dưỡng là những yếu tố chính tác động đến phát triển tầm cóc; các chuyên gia về dinh dưỡng trên thế giới và Viện Dinh dưỡng - Bộ y tế đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học được uống sữa hàng ngày...Nắm bắt cơ sở khoa học này, từ thế kỷ XX nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan...hoặc một số tỉnh thành trên cả nước như Nghệ An, Kon Tum, Hà Nam, Bắc Ninh đã triển khai hiệu quả chương trình "Sữa học đường".

Đề án "Sữa học đường" góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực nguồn nhân lực tương lai của Thủ đô Hà Nội: Tất cả trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học hàng ngày đến trường đều được uống sữa đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.

Ngày 6/8, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020: 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng; Trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn TP được uống sữa theo Đề án Chương trình Sữa học đường. Góp phần tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5 - 2cm so với năm 2010.

Chương trình được triển khai theo năm học, từ năm học 2018 - 2019 đến hết năm 2020.

Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.

Tổng sổ trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học của 3 năm học khoảng 1.541.833 trẻ mẫu giáo và 2.364.832 học sinh tiểu học. Số liệu thụ hưởng thực tế được điều chỉnh cụ thể trong các năm triển khai thực hiện Đề án.

Theo đề án, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Mức giá 1 hộp sữa dự kiến là 6.800 đồng/1 hộp, có nghĩa phụ huynh phải đóng hơn 600.000 VNĐ/ năm.

Riêng đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

Nhiều cha mẹ chưa yên tâm về chất lượng sữa và thiếu thông tin về nhà cung cấp sữa

Trước khi chương trình “Sữa học đường” được triển khai đại trà, các trường học, cơ sở giáo dục từ mầm non tới tiểu học đã phát phiếu khảo sát ý kiến của phụ huynh có đồng ý cho con em mình tham gia hay không. Chương trình được thực hiện tự nguyện, không bắt buộc với từng học sinh. Tuy nhiên nhiều cha mẹ rất băn khoăn trước khi đưa ra quyết định.

Một phụ huynh ở Đống Đa chia sẻ: "Đề án về mục đích có vẻ rất tốt, nhất là đối với trẻ ở các khu vực còn nghèo. Tuy nhiên đã là tự nguyện thì phải đúng tinh thần tự nguyện của phụ huynh và gia đình học sinh. Có những gia đình để có 500.000 đóng đầu năm cũng là vấn đề. Hơn nữa nhiều bé cơ địa dị ứng sữa bò, tiêu hóa kém..."

Đồng tình với việc trẻ em dễ bị đau bụng do uống sữa, một phụ huynh giải thích thêm: “Việt Nam nhiều trẻ em không có thói quen uống sữa, trong cơ thể không có sẵn enzym phân hủy lactose (một chất đường chính trong sữa – PV) sẽ bị đau bụng. Do đó khi tổ chức uống đại trà cùng một loại sữa chắc chắn có nhiều bạn nhỏ bị đau bụng”.

Đầu năm 2018, khi thực hiện chương trình “Sữa học đường” tại tỉnh Đồng Nai, đã có 73 bạn học sinh bị ngộ độc khi uống sữa. Chính từ một vụ việc cụ thể này, nhiều bậc phụ huynh khác lo lắng về loại sữa, chất lượng sữa mà con mình sử dụng trong trường.

"Trường con gái tôi cũng có đề án sữa học đường, tôi không muốn tham gia vì mình sợ sữa chất lượng không tốt. Ví dụ như họ làm từ sữa bột hết hạn thành sữa học đường thì mình cũng không biết đấy là đâu, các con uống vào rất nguy hiểm như ở Đồng Nai có 70 bạn bị ngộ độc sữa học đường”, cô Thanh Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Cùng với nhiều vị phụ huynh khác, cô M chia sẻ: “Mình quan tâm đến việc sữa đó là loại nào nhưng không thấy đề cập. Con nhà mình không thích uống sữa nhưng vẫn đăng ký vì thấy mức giá đó mang tính cộng hưởng của gia đình – xã hội - doanh nghiệp. Nhân rộng mô hình thì một số gia đình kinh tế không khá cũng có thể cho con uống sữa đều hơn. Nhưng nếu từ mô hình này mà nhân rộng với mức giá 0 đồng cho gia đình học sinh ở vùng thực sự khó khăn (nhấn mạnh là khó khăn thực sự như trên các trường vùng cao nhà tre vách nứa, cơm không đủ ăn) thì còn tốt hơn nhiều".

Chú T.H.N có con đang theo học tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội băn khoăn: “Gia đình cũng thấy lo lắng bất an, không rõ lợi hay hại nữa? Nên hay không nên? Vì thực ra phần lớn các cháu cũng đủ sữa ở nhà rồi? Khi ở trường mà có cháu uống cháu không uống cũng dở thật”.

Cô D.V.H cũng vì thương con không được uống sữa như các bạn mà nhiều phụ huynh đành đồng ý: "Hôm qua tôi thấy con mang tờ giấy đăng ký về và bảo mẹ ký tên. Trong đầu liền nghĩ nếu ghi không đồng ý thì giờ các bạn được uống sữa con mình ngồi nhìn sao. Nghĩ cảnh ấy lại thấy tội nên đành ký tên luôn mà còn không biết đó là chương trình gì".

Cha mẹ học sinh đều đã được cung cấp thông tin về mục tiêu, nội dung thực hiện nhưng họ rất thiếu thông tin cần thiết như đơn vị cung cấp, quy trình quản lý sữa và chất lượng sữa thế nào.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết các nhà trường chỉ đang khảo sát nhu cầu của phụ huynh học sinh. Lý do mà Sở GD&ĐT Hà Nội chưa công bố tên sữa và công ty cung cấp sữa vì đang triển khai bán hồ sơ mời thầu. Đã có 7 đơn vị đăng ký tham gia. Sau khi hoàn thành khâu này, Sở sẽ công bố cụ thể tên của đơn vị trúng thầu tới tất cả phụ huynh. Bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu sẽ phải đạt đủ tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, dinh dưỡng của Bộ Y tế.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.