ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh điều chỉnh tỷ lệ các tiêu chí xét tuyển

ngochiep
ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh cho biết trường vẫn giữ nguyên phương thức tuyển sinh như 2017 nhưng thay đổi tỷ trọng điểm giữa các tiêu chí xét tuyển và tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong xét tuyển năm 2018.

Giảm tỷ trọng bài thi năng lực, tăng chỉ tiêu

Chiều 18/1, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh đã công bố đề án tuyển sinh năm 2018.

Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh cho biết năm nay trường dự kiến tăng chỉ tiêu từ 1.600 lên 1.900. Ngoài ra, trường còn điều chỉnh tỷ lệ các tiêu chí trong xác định điểm trúng tuyển so với năm trước đó. Cụ thể: điểm học bạ 10%, điểm thi THPT quốc gia 60%, điểm bài kiểm tra năng lực 30% (trong khi các tỷ lệ năm trước là 10% - 50% - 40%).

Chỉ tiêu các ngành và tổ hợp xét tuyển năm 2018 của ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh.

Theo đề án này, Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực. Việc tuyển sinh sẽ thực hiện qua 2 bước (bước 1 xét tuyển, bước 2 kiểm tra năng lực) với 3 tiêu chí: xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực. Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển vào trường theo từng ngành và từng tổ hợp.

Cụ thể, bước 1 trường sẽ xét điểm trung bình ở 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển (tiêu chí 1: chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển) và điểm thi THPT quốc gia năm 2018 (tiêu chí 2: chiếm tỷ trọng 60% điểm trúng tuyển) từ cao xuống thấp để xác định những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ. Số lượng thí sinh được xét đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ không quá 300% so với chỉ tiêu dự kiến được phân bổ theo ngành và tổ hợp xét tuyển được quy định.

Ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, năm 2018, nhà trường bổ sung 3 tổ hợp môn mới, đó là:

Văn, Sử và Ngoại ngữ (D 14 tiếng Anh): Xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh.

Văn, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (D 66 tiếng Anh, D 69 tiếng Nhật, D 70 tiếng Pháp): Xét tuyển ngành Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh (chỉ xét tuyển D 66).

Toán, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (D 84 tiếng Anh, D 87 tiếng Pháp, D 88 tiếng Nhật) xét tuyển ngành Luật Thương mại quốc tế, ngành Quản trị - Luật, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Ngôn ngữ Anh (chỉ xét tuyển D 84).

Bước 2, chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ mới được tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực (tiêu chí 3: chiếm tỷ trọng 30% điểm trúng tuyển).

Bài kiểm tra năng lực được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm trên giấy gồm 100 câu trong thời gian 75 phút (thang điểm 30).

Trường xác định điểm trúng tuyển theo từng ngành và theo từng tổ hợp môn xét tuyển. Diện trúng tuyển là những thí sinh có đầy đủ các điều kiện: Có đủ điểm của 3 tiêu chí xét tuyển nêu trên; kết quả điểm của 3 tiêu chí này nằm trong chỉ tiêu; điểm của từng môn của 3 tiêu chí không bị điểm liệt theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Điểm trúng tuyển sẽ được xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, căn cứ điểm học bạ (xét 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi THPT quốc gia năm 2018 của 3 môn thuộc tổ hợp đã đăng ký ở tiêu chí 1; điểm của bài kiểm tra đánh giá năng lực.

Bài thi đánh giá năng lực giúp thí sinh xác định khả năng và nguyện vọng của mình.

4 nhóm kiến thức trong bài thi năng lực

Bài thi đánh giá năng lực có hình thức trắc nghiệm, với 100 câu hỏi trong thời gian 75 phút. Nội dung bài thi bao gồm 4 nhóm kiến thức: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn, quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người, đạo đức công dân); kiến thức về pháp luật; tư duy logic và khả năng lập luận.

Ban lãnh đạo ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh cho biết việc tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực sẽ giúp nhà trường tuyển được các thí sinh có tố chất, có tư duy logic tốt, có hiểu biết sâu rộng các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội...

Cũng trong đề án tuyển sinh 2018, ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh công bố mức học phí cho năm 2018-2019 là 17 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với mức học phí năm 2017-2018.

Thông tin từ nhà trường, để làm bài kiểm tra thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào, nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh. Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực và để có mặt trong buổi kiểm tra năng lực thí sinh phải đăng ký xét tuyển sơ bộ theo đúng thời gian quy định của nhà trường.

Ngọc Hiệp (Tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh điều chỉnh tỷ lệ các tiêu chí xét tuyển tại chuyên mục Tuyển Sinh - Du Học của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tuyển Sinh - Du Học khác