Nước là một trong những thành phần cơ bản của sự sống, chiếm ½ trọng lượng cơ thể của người trưởng thành. Mất nước có thể gây cản trở chức năng nhận thức và tinh thần, làm rối loạn và phức tạp thêm việc điều trị các bệnh khác và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về bài tiết. Các đồ uống hiện nay không chỉ cung cấp nước mà còn bổ sung một số chất giúp cơ thể chống lại sự mệt mỏi, tăng cường sự tỉnh táo và cung cấp các vi chất cần thiết cho cơ thể. Uống nước tưởng chừng như đơn giản nhưng việc uống thế nào cho đúng và khoa học thì các bạn đã biết chưa?
Tại hội thảo, chúng ta đã được cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học hữu ích về các nhóm đồ uống và lợi ích của chúng với sức khỏe. Đồng thời thảo luận về vai trò và nhu cầu của nước uống đối với từng lứa tuổi và từng nhóm bệnh khác nhau.
Tiến sỹ - Bác sỹ Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết: “Nước ngọt có ga là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như: béo phì, sâu răng, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, gout, loãng xương.... Theo thống kê, tiêu thụ một lon nước ngọt có ga mỗi ngày có thể làm tăng gần 7kg cân nặng trong một năm. Bởi một lon nước ngọt 600 ml chứa lượng đường tương đương 36g, trong một năm sẽ tiêu thụ thêm 23 kg đường. Lượng đường này trong các loại nước uống tăng lực là 24g/lon 250ml. Do thành phần chủ yếu của nước ngọt có ga là: hương vị, chất tạo ngọt, khí CO2, chất bảo quản nên không tốt về mặt dinh dưỡng”. Vì vậy các những người muốn giảm cân, mỡ máu, cao huyết áp, bệnh thận không nên dùng.
Theo khuyến nghị của Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Văn Hoan - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam thì chúng ta cần bổ sung nước mỗi ngày. Nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể sẽ tăng dần theo tuổi từ khi còn là trẻ sơ sinh (khoảng 0,6l nước) đến khi là thiếu niên ( khoảng 1,7l nước), với người trưởng thành, nhu cầu nước của nam giới là 2,5l - 3,2l/ ngày tùy theo mức độ hoạt động có thể lên tới 6l/ngày. Trong khi nhu cầu của nữ giới thấp hơn từ 0,5l - 1l/ngày.
Các nhà khoa học đưa ra nhiều phân tích, đánh giá quan trọng và cần thiết, giúp làm sáng tỏ và hiểu rõ hơn về vai trò, sự quan trọng và cách sử dụng đúng, đủ và khoa học nhất với nhu cầu cơ thể. Sau khi thảo luận và thống nhất các quan điểm theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về sức khỏe, hội thảo đã đưa ra một số kết luận:
- Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm giảm sử dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam nhằm giảm các bệnh liên quan dến lạm dụng rượu bia.
- Giảm sử dụng các đồ uống có nguy cơ gây ra các vấn đề về sức khỏe lâu dài như đồ uống có lượng đường cao, đồ uống sử dụng các phụ gia có hại cho sức khỏe.
- Tăng cường sử dụng đồ uống có nguồn gốc thiên nhiên như trái cây, các loại trà, trà thảo mộc có hàm lượng đường thấp
- Sử dụng đồ uống phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe.
Chu Hải