Đây là thành quả của nhóm nghiên cứu tại Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Họ đã phát triển thành công một hệ thống xúc tác có khả năng chuyển đổi trực tiếp khí carbon dioxide thành đường D-glucose và D-arabinose trong phòng thí nghiệm. Điều đặc biệt là quy trình này không cần đến thực vật, mà sử dụng chuỗi phản ứng hóa học nhân tạo, mô phỏng quá trình quang hợp tự nhiên.

Thông thường, để tạo ra đường, thực vật sẽ hấp thụ CO₂ từ không khí, trải qua quá trình quang hợp, rồi chuyển hóa dần thành tinh bột hoặc đường trong thân, lá và quả. Tuy nhiên, nhóm khoa học Trung Quốc đã đi đường tắt – dùng CO₂ làm nguyên liệu đầu vào, nhờ chất xúc tác đặc biệt và sự hỗ trợ của năng lượng để tổng hợp nên các phân tử đường có thể ăn được.
Báo cáo khoa học được công bố trên tạp chí Nature Catalysis cho thấy, hệ thống mới có thể tạo ra tới 0,67 micromol D-glucose chỉ trong 2 giờ. Ngoài ra, công nghệ này cũng tạo ra đường D-arabinose – một loại đường ít ngọt, thường có mặt trong dược phẩm và thực phẩm chức năng.
Điều đáng chú ý là quy trình này không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp thực phẩm và hóa học xanh, mà còn được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu lượng khí CO₂ trong khí quyển – nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hiện tại, công nghệ vẫn đang trong giai đoạn thí nghiệm, nhưng các nhà khoa học tin rằng nếu được hoàn thiện và ứng dụng trong thực tế, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc tận dụng nguồn khí CO₂ đang bị xem là “rác thải” để phục vụ cuộc sống con người, đồng thời mở ra tương lai phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp và công nghệ thực phẩm.