Đưa di sản vào trường học

ngochiep
Năm học 2017-2018, Phòng GD&ĐT TP.Hội An (Quảng Nam) chính thức nghiệm thu, đưa Đề án “Giáo dục di sản trong học đường” vào giảng dạy thực tế.

Đây có thể xem là một trong những bước tiến nhằm hướng đến việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc khỏi nguy cơ mai một, đồng thời mang đến "luồng gió mát" trong nỗ lực đổi mới giáo dục. Thực tế những năm qua, Phòng GD&ĐT TP.Hội An đã có những bước tiên phong, cách làm hay mang lại hiệu quả cao được Bộ GD&ĐT xét duyệt, nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Những giá trị di sản văn hóa tại Hội An đều được đưa vào đề án, hỗ trợ giảng dạy theo phương thức đổi mới giáo dục.

Từ giáo dục di sản qua phim...

Một trong những phương thức đổi mới giáo dục mà Phòng GD&ĐT TP.Hội An đã triển khai và mang đến nhiều tín hiệu tích cực là đưa đề tài "Xây dựng bộ đĩa VCD phục vụ giảng dạy môn đạo đức cho học sinh tiểu học Hội An" vào giảng dạy năm học vừa qua. Thầy Văn Quý Tuấn - Chuyên viên phòng GD&ĐT Hội An, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Xuất phát từ thực tế nhiều giá trị văn hóa truyền thống đáng tự hào của dân tộc đứng trước nguy cơ bị lãng quên nên cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu, đề xuất đề án như một "chất xúc tác" giúp học sinh thêm yêu quê hương, đất đước.

Theo đó, bộ đĩa VCD giảng dạy môn đạo đức gồm 11 đĩa, dung lượng mỗi đĩa trung bình 15 phút phục vụ việc giảng dạy học sinh của 14 trường tiểu học trên địa bàn Hội An. Trong đó, mỗi khối học gồm hai đĩa và một đĩa dành cho hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Lấy chủ đề "Hội An quê hương tôi", bộ đĩa thay giáo án thông thường bằng những video, hình ảnh chùa Cầu, những ngôi nhà cổ, danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Hội An sẽ lần lượt hiện lên trên nền nhạc nhẹ nhàng mang âm hưởng về quê hương đất nước gắn liền với tuổi thơ và lòng tự hào dân tộc. Kế đến là những tư liệu lịch sử về quá trình hình thành đô thị cổ, những lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca như: hò chèo thuyền, bài chòi, hát đồng dao... Những vị danh nhân, làng nghề truyền thống gắn liền với đời sống con người Hội An cũng lần lượt hiện ra.

"Bộ đĩa sẽ giúp học sinh tiếp thu một cách nhanh, sinh động và hiệu quả hơn khi chúng ta tiến hành dạy lý thuyết. Điều cốt lõi thu hút học sinh chính là sự trực quan, sinh động và hấp dẫn của bộ VCD", thầy Tuấn nhấn mạnh.

Trước khi đưa vào giảng dạy và được UBND TP Hội An xét duyệt, bộ đĩa đã được triển khai dạy thí điểm ở một số trường để điều chỉnh hoàn thiện hơn về cách sắp xếp khoa học, phù hợp theo trình độ từng khối để các em dễ dàng tiếp thu.

"Bộ đĩa gắn chặt với chương trình sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT ban hành, các nội dung được sắp xếp từ dễ đến khó, từ gần đến xa và đáp ứng đủ 3 tiêu chí cơ bản là tính sư phạm, tính khoa học và tính thẩm mỹ của thiết bị giáo dục. Hơn thế, nó giúp giáo viên dễ dàng hỗ trợ học sinh tiếp thu nội dung bài học cũng như lồng ghép, tích hợp kiến thức vào trong các giờ dạy Sử, Địa hoặc các buổi ngoài giờ lên lớp", thầy Nguyễn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng cho hay.

  

Học sinh thích thú tiếp thu giá trị di sản bằng những giờ học trực quan, sinh động.

... đến trải nghiệm thực tế cùng di sản

Tiếp nối sự thành công, năm học 2017-2018, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa (TTQLBTDSVH) Hội An phối hợp với Phòng GD&ĐT TP.Hội An tiếp tục đưa đề án “Giáo dục di sản trong học đường” vào triển khai giảng dạy. Đề án với bộ tài liệu giảng dạy gồm hai chủ đề dành cho lớp 1 là: “Em yêu bảo vệ di tích chùa Cầu” và 3 chủ đề dành cho lớp 6 là "Nghề trồng lúa quê em", "Sự sáng tạo trong cuộc sống của người xưa" và "Em yêu lịch sử cách mạng quê em".

Nội dung đề án chú trọng đến việc đưa học sinh trải nghiệm thực tế thay những giờ học lý thuyết khô khan. Mới đây, cả hai đơn vị phối hợp tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế với nghề trồng lúa nước. Từ việc xuống giống, bón phân, tưới nước... đã giúp học sinh kích thích tư duy sáng tạo, nâng cao nhận thức về nghề truyền thống của dân tộc.

Cô Lê Thị Tuấn, Trưởng phòng Bảo tàng TTQLBTDSVH Hội An cho rằng, việc đổi mới giáo dục xuất phát từ nhu cầu thực tế cũng như hoàn cảnh của từng địa phương. "Ở Hội An, văn hóa truyền thống cũng như những giá trị di sản là hồn cốt của đô thị cổ nên việc giáo dục bằng cách đưa di sản vào giảng đường là điều vô cùng cần thiết. Thực tế, nhằm giáo dục di sản cho học sinh, một số trường đã tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm những việc xây dựng đề án nhằm hướng đến giáo dục một cách toàn diện bằng tư liệu trực quan, sinh động chưa nhiều. Chính vì thế, việc đề án đưa vào triển khai đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh”" cô Tuấn trao đổi.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Dung - Trưởng phòng GD&ĐT TP.Hội An chia sẻ: "Phương thức dạy học của đề án sẽ giúp học sinh có những cách tiếp cận mới, chú trọng đến việc "đánh thức" sự sáng tạo cũng như tư duy. Phòng GD&ĐT TP.Hội An cùng Trung tâm sẽ vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm để đề án được hoàn thiện hơn trong thời gian đến".

Theo Công an thành phố Đà Nẵng

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đưa di sản vào trường học tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Đoàn công tác T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm việc với Đại sứ quán nước Việt Nam tại Hoa Kỳ

Ngày 20/4 (theo giờ Hoa Kỳ), bên lề Diễn đàn Thanh niên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc, đoàn công tác của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.