Ethiopia: Bên trong kì quan đang tàn lụi

ctv05
Được biết đến như một kì quan thiên nhiên thế giới, vườn quốc gia núi Simien mang một vẻ đẹp tráng lệ, hoang sơ vốn có. Thế nhưng ngọn núi này đang nằm trong danh sách di sản thế giới bị đe dọa và cần được bảo vệ kịp thời.

Trong cái sầm uất, nhộn nhịp của thị trấn ở Wossen, hàng trăm đứa trẻ tò mò theo chân chúng tôi băng qua hè đường trải đầy những tấm mền sặc sỡ, những gánh hàng rau củ và vài sạp dép xăng đan. Cố len lên trước đám đông, dường như có ai đó muốn chạm vào tay tôi khiến tôi không khỏi bối rối. Một cậu bé bỗng nhìn tôi và bật khóc. Tôi khá bất ngờ cho tới khi người hướng dẫn viên giải thích bằng một giọng hóm hỉnh. “Chắc cô là người phụ nữ tóc vàng đầu tiên mà chúng nhìn thấy đấy.”

Quả thật có quá nhiều điều “đầu tiên” với chúng tôi trên chuyến hành trình tới Simien. Homer, anh bạn đồng hành cùng chúng tôi, mô tả vẻ đẹp của vùng đất này giống như được bàn tay của Chúa trời tạo ra. Simien thật tráng lệ. Đó là một vùng đất trũng với những khe núi thăm thẳm, những ngọn núi cao chót vót, những mỏm đá bệ vệ nhô lên và cả một dải môi sinh của vô số loài động – thực vật mà chẳng đâu trên thế giới có được.

Băng qua Vườn quốc gia, chúng tôi bắt gặp một đám khỉ gelada đang ngồi bên vệ đường một cách kiên nhẫn. Chúng có bộ lông vàng, bồng bềnh hệt như bờm của sư tử. Không phải loài vật nào cũng tỏ ra “thân thiện” để chúng tôi được ngắm nhìn hồi lâu. Mấy con sơn dương Walia bỏ chạy ngay khi chúng tôi cố tiếp cận chúng. Và thậm chí cả những con sói vùng Ethiopia cũng vậy. Loài này ở Ethiopia chỉ còn sót lại khoảng 400 con.

Lũ khỉ gelada là hình ảnh quen thuộc của vùng núi Simien

Thế nhưng, Simien đang trong tình trạng nguy cấp. Được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới bởi UNESCO vào năm 1978 thì đến năm 1996, vườn quốc gia Simien lại nằm trong danh sách di sản thế giới đang bị đe dọa. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, sự xâm lấn của con người và môi trường sống bị hủy hoại đang ngày càng đe dọa tới sự tồn vọng của vùng đất xinh đẹp này.

Mỗi năm, có khoảng 24.000 khách du lịch đến với Simien. Thế nhưng, họ chẳng có nhiều sự lựa chọn. Chúng tôi chứng kiến rất nhiều người trong số đó phải tìm đến những khu cắm trại thường xuyên đông đúc hoặc những nơi  ít được quan tâm, để ý tới.

Tổ chức bảo vệ thiên nhiên châu Phi (AWF) đã vào cuộc. AWF cùng với tổ chức nhà nước bảo tồn thiên nhiên Ethiopia (EWCA) đang hợp tác xây dựng những con đường mới và hỗ trợ kinh phí cho 2 hoạt động du lịch mới mở trong năm qua gồm: hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng  bên ngoài vườn quốc gia và nhà nghỉ sinh thái kèm theo.  Kathleen Fitzgerald, phó phòng chiến lược kinh doanh, giải thích rằng việc đa dạng hóa du lịch ở Simien và mở rộng địa bàn du lịch ra những vùng lận cận đem lại lợi ích cho công đồng và cả vùng sinh thái nơi đây.

Nhà văn Sue (tác giả bài viết) - ở phía Nam vùng núi của Ethiopia

Chúng tôi là những vị khách đầu tiên trên chuyến đi 6 ngày tới Simien theo hướng dẫn của Village Ways, một công ty kết nối cộng đồng vùng thiểu số và hoạt động du lịch bền vững. Trên chuyến bộ hành qua ba ngôi làng Tage Mariam, Kalid Abo và Timbala, chúng tôi được trải nghiệm nhiều điều về thiên nhiên cũng như nền văn hóa nơi đây nhờ có sự giúp đỡ của Suliman và Salaam – hướng dẫn viên và đầu bếp chuyên nghiệp.

Đoàn đã đi dọc theo những đồng cỏ, những thung lũng dốc đứng và cả những mỏm đá cao ngất trên cái nền tuyệt đẹp của những ngọn núi giữa một hợp âm của tiếng dê, tiếng lừa và cả tiếng trẻ con nô đùa. Simien mặc dù là vùng hẻo lánh, xa xôi thế nhưng hiếm khi tìm được sự yên tĩnh nơi đây. Những người nông dân thì vừa cày cấy, vừa ngân nga câu hát bên những chú bò của mình. Người dân ở đây đón chào chúng tôi bằng một câu “Salaam” và nở nụ cười thân thiện. Ấy vậy, chúng tôi lại chẳng bắt gặp bất cứ du khách nào khác.

Gặp gỡ những người chăn dê trên mảnh đất ít du khách lui tới

Salaama đã đãi chúng tôi bằng những món ăn vô cùng hấp dẫn. Đó là món bánh Injera (một loại bánh kếp hơi xốp, có vị chua), nui (một loại mỳ Ý) và Shiro (nước sốt đậu gà) ăn kèm với món nho của vùng thung lũng Ethiopia này. Chúng tôi nghỉ ngơi trong căn nhà truyền thống của người Ethiopia gọi là “tukul”, xung quanh được lát bằng đá, mái lợp bằng rơm, dành cho những vị khách mới tới.

Nhà "tukul" dành cho khách du lịch

Chúng tôi đứng bên rìa một mỏm đá lớn nơi làng Timbala, Suliman đã chỉ cho chúng tôi thấy ngọn núi cao nhất của Ethiopia. Dưới mặt đất nhìn từ xa lên phía đỉnh núi cao 4533m đang nhô lên như đón lấy bầu trời mờ tối, chúng tôi có thể ngắm toàn cảnh Ras Dashen với tất cả vẻ đẹp huy hoàng bệ vệ của nó. Suliman cười rạng rỡ với tôi như thể mãn nguyện lắm. “Cô thật may mắn là du khách đầu tiên đứng chứng kiến cảnh tượng này đấy.”

Mưa lớn đột ngột khiến cả đoàn phải tìm chỗ trú gần một ngôi nhà làm từ bùn và gỗ bạch đàn. Mưa cứ róc rách trên mái tôn, càng lúc càng nhiều người theo sau là một đàn gia súc nào là bò, là lừa, ngựa cả mấy con gà tới ghé tạm. 2 tiếng trôi qua, chúng tôi cũng phải 40 người ngồi với nhau trên tấm da dê quanh một đống lửa. Mọi người chuyện trò với nhau bằng cử chỉ điệu bộ, trong khi bà chủ nhà đang thực hiện một dạng nghi lễ truyền thống liên quan tới món đặc sản mà không thể không nói đến khi nhắc tới Ethiopia – cà phê. Cô ấy nướng hạt cà phê lên sau đó nghiền nhỏ chúng và rồi đun đi đun lại 3 lần.

Nghi thức chế biến cà phê truyền thống của một ngôi làng gần vùng Simien

Bên ngoài, tiếng sấm vang lên từng hồi trong cơn mưa xối xả khiến chúng tôi bất giác nhảy dựng lên rồi cười khoái chí. Trong này thật ấm cúng và đông đúc, giữa bầu không tối mịt là những làn khói miên man đườm đượm hương thơm của cà phê nướng làm say lòng người. Chúng tôi rời đi khi mưa đã ngớt, và thầm cảm ơn cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, đặc biệt mà thân tình với những người dân địa phương.

Thật tuyệt vời khi có một chốn dừng chân nghỉ ngơi thư giãn sau chuyến hành trình mệt nhọc. Hãy ghé qua Limalimo. Ở độ cao 2960m trên rìa ngọn núi của Simien, nhà nghỉ sinh thái nơi đây có không gian xung quanh hướng về toàn cảnh Ethiopia, với trần nhà làm bằng gỗ bạch đàn, tường xây bằng đất nén và mái lợp bởi nguyên liệu xanh, thân thiện với môi trường.

Bữa sáng ở nhà nghỉ sinh thái Limalimo

Từ đây, bạn hãy ghé thăm ngôi làng LimaLimo nhé, rồi tập yoga và tận hưởng thời gian thư giãn với dịch vụ mát-xa ở Ethiopia. Hoặc bạn có thể hâm nóng người bằng cách nhấm nháp vài ngụm bia “Ras Dashen” bên ngoài quán bar và nhà hàng, với tầm nhìn mở ra những hẻm núi hun hút như trải dài vô tận.

Những ngày sau đó, đoàn chúng tôi đã tới trường Adisge bên ngoài vườn quốc gia Simien. Trường có 6 lớp học nhưng tất cả đều tốc mái và bị bong tróc, nứt nẻ. Đáng buồn thay, đó còn là nơi học tập của 700 đứa trẻ. Trước thực tế đó, ngôi trường đã và đang được xây dựng lại với 30 phòng học mới nhờ nguồn quỹ hỗ trợ của AWF.

Cảnh mặt trời lặn - nhìn từ nhà nghỉ Limalimo

AWF gây quỹ nhờ phí bảo vệ môi trường (10$ mỗi khách) từ nhà nghỉ Limalimo.

Theo Zeleke Abuhay, nhân viên quản lí đất đai của AWF, cho biết. “Chi phí này sẽ được đóng góp cho bảo trì, tu sửa, mua sắm đồ đạc, vật liệu và đào tạo giáo viên.”

“Cộng đồng dân cư nơi này vẫn đang cùng chúng tôi chung tay bảo vệ môi trường. Nhờ những lợi ích trực tiếp từ hoạt động du lịch sinh thái mà ngôi trường khang trang hơn dành cho các em nhỏ đang dần được hoàn thiện.”

Người dân chung tay xây dựng trường học cho các em nhỏ 

Sau cùng, chúng tôi dạo tới một mũi đất nhỏ ngay gần khu nhà nghỉ. Ở đó, những con chim kền kền bay vòng vòng thật gần, đến nỗi tôi có thể nghe tiếng chúng vỗ cánh. Một chú đại bàng non có màu hung đang kêu quác quác trong chiếc tổ của mình. Gần đó, mấy con khỉ đầu chó đang chơi đùa cùng đám bạn khỉ gelada.

Trở lại Limalimo, chúng tôi thư thả ngắm nhìn hoàng hôn xuống với 1 cốc G&T trên tay. Simien quả là vùng đất tuyệt đẹp và cần được bảo tồn.

Trung Chiến (Dịch)

Theo The Independent 

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ethiopia: Bên trong kì quan đang tàn lụi tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Trái Đất nặng tới mức nào?

Giới chuyên gia mất hàng trăm năm để ước tính khối lượng Trái Đất và cho tới nay vẫn chưa thống nhất về con số chính xác.