Hành trình của cậu bé tự kỷ đến huy chương Vàng thế giới

Nguyễn Hà
Đinh Vũ Tùng Lâm chụp ảnh cùng Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ khi giành huy chương bạc tại kỳ thi Olympic toán học trẻ năm 2017 tại Ấn Độ (X-IMC).

Từ cậu bé 4 tuổi mới biết nói, từng bị chuẩn đoán tự kỷ dạng tăng động và rất khó khăn mới xin được vào tiểu học, Đinh Vũ Tùng Lâm (học sinh lớp 9A2, Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội) đã làm nên kỳ tích với cả chục huy chương thế giới và khu vực.

Đinh Vũ Tùng Lâm chụp ảnh cùng Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ khi giành huy chương bạc tại kỳ thi Olimpic toán học trẻ năm 2017 tại Ấn Độ (X-IMC).

Luôn có mẹ ở bên...

Gương mặt thông minh và đôi mắt sáng, gặp "hạt nhân" toán học của Trường THCS Cầu Giấy, khó có thể tưởng tượng được, cậu bạn Lâm từng có một tuổi thơ gian nan đến vậy. Lâm nói còn nhớ như in rất nhiều lần cùng mẹ đi khám bệnh; những buổi học đánh vần chật vật; những buổi học ca dao tục ngữ mẹ dạy khi ngồi trên xe từ trường về nhà, từ nhà đến lớp học thêm; những buổi mẹ đưa con lang thang đi khắp các con phố để quan sát về làm văn miêu tả...

"Bác sĩ nói bệnh của mình là tự kỷ dạng tăng động. Khi đó, mình không biết từ đó nghĩa là gì, nhưng nó giống như bạn không kiểm soát được suy nghĩ và chân tay, không bao giờ có thể ngồi yên một chỗ." - Tùng Lâm nhớ lại.

Nghịch, quậy phá, không thể tập trung ngồi học khiến thời gian đầu mới vào lớp 1, không trường nào dám nhận Lâm vào học. Phải cố gắng lắm, cô Vũ Thị Hải Yến - mẹ Tùng Lâm - mới xin được cho con vào Trường tiểu học Lê Quý Đôn. Ba năm đầu tiên gian nan vô cùng và Lâm luôn cần có mẹ để có thể quen dần với nề nếp, với những nội quy của môi trường học đường.

Nhớ lại những tháng ngày ấy, cô Yến đến giờ còn ám ảnh: Khi còn nhỏ, Lâm dữ lắm, lúc nào cũng chạy lăng xăng, hay đánh mọi người. Đến mẹ cũng bị con đánh liên tục. Nhiều lúc tuyệt vọng, tìm nơi chuyên biệt cho con học. Nhưng nhìn thấy con bị thầy buộc tay, sợ phát khóc chỉ để chịu nói lại thôi. Nghĩ không ai có thể dạy con tốt hơn mẹ. Thế là, ngoài việc mời thầy vệ dạy riêng thời gian cố định trong ngày, còn lại mẹ con "chiến đấu" cùng nhau.

"Khi Lâm vào tiểu học còn vất vả hơn nhiều. Thấy con bị cô lập, ôm cây khóc, mình rơi nước mắt. Rồi nghĩ ra cách "mua chuộc" để con có bạn. Khi thì mua vé mời các bạn cùng lớp của Lâm đi xem phim; khi mua quà, làm đồ ăn mời bạn đến nhà. Đến ăn mặc, phong cách của mình cũng thay đổi để dễ dàng hòa nhập với các con hơn" - cô Yến kể.

... và kỳ tích

Mắc căn bệnh oái oăm, nhưng từ nhỏ Lâm đã bộc lộ một trí nhớ rất đặc biệt. Với trí nhớ ấy, cậu bé từng khiến cô giáo dạy mầm non ấn tượng khi một bài lẽ ra các bạn phải học trong 10 buổi thì chỉ 1 buổi Lâm đã thành thạo. Cậu cũng đặc biệt hứng thú với những con số và các bài toán; đến nỗi, tuần đầu đi học lớp 2 đã giải hết các bài trong sách. Mê mẩn những bài toán trên tạp chí Toán tuổi thơ, Lâm đọc ngấu nghiến, giải rồi gửi Ban biên tập và luôn được phần thưởng từ năm lớp 3.

Những thay đổi tích cực bắt đầu từ năm lớp 4, Lâm hiền hẳn và không quậy phá nữa, dù kỹ năng sống còn non nớt. Điều tuyệt vời nhất đến vào năm lớp 5, khi cậu bắt đầu được ghi nhận như một người học giỏi Toán với giải thưởng Violimpic cấp thành phố.

Từ một cậu bé không có bạn chơi, lúc nào cũng nghĩ rằng mình kém cỏi, Lâm dần tự tin hơn. Từ sự say mê với các con số và không nản lòng với các phép tính khó, cũng như sự chính xác cho từng phép tính đơn giản nhất, đối với Lâm, những kỳ thi không gì khác là nơi con có thể chứng minh cho mọi người thấy con có thể làm được những điều mà bạn bè bạn có thể làm được.

"Thú thực, mình luôn sợ thất bại, sợ rằng mình lại bị chê cười một lần nữa, bởi vốn dĩ mình đã hay bị các bạn chê cười về sự vụng về và trẻ con của mình. Vì vậy, mình cứ luôn tâm niệm cố gắng, cố gắng hết sức. Mỗi một thành tích đem lại cho mình thêm chút tự tin, thêm cảm giác an toàn bên các con số. Toán học là thầy, là bạn, là nơi mình khẳng định mình và cũng là món quà con dành cho bố mẹ, thầy cô kính yêu của mình" - Tùng Lâm chia sẻ.

Những thành tích vượt trội đến với cậu học sinh đặc biệt từ khi thi đỗ vào trường THCS Cầu Giấy. Ở đó Lâm được gặp cô Hiền - cô giáo chủ nhiệm, cô Thảo, cô Hoa, thầy Vịnh dìu dắt môn Toán và tạo điều kiện hết sức cho học sinh của mình theo đuổi đam mê.

Đinh Vũ Tùng Lâm cùng cô giáo chủ nhiệm trong ngày sinh nhật năm lớp 8

Bắt đầu từ giải bạc Toán châu Á Thái Bình Dương, Lâm dần chinh phục những đỉnh cao mới như: Huy chương Vàng cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ - MYTS 2017; huy chương Vàng cuộc thi Toán Hà Nội mở rộng - HOMC 2017; huy chương Bạc cuộc thi Toán giữa các thành phố (Toán Nga); xếp hạng High distinction - cuộc thi Vô địch Toán Úc; thủ khoa Toán tuổi thơ năm 2017.

Đặc biệt, trong năm học 2016 -2017, khi còn đang học lớp 8, Lâm cùng các anh khối 9 đã mang về huy chương Vàng cá nhân và đồng đội trong kỳ thi Vô địch các đội tuyển Toán Quốc tế thi tại Hàn Quốc – WMTC.

Cũng mùa hè 2017, trong kỳ thi Olympic Toán học trẻ Quốc tế tại Ấn độ, Lâm giành huy chương Bạc - thành tích chưa phải là cao nhất nhưng là sự ghi nhận, động viên to lớn đối với những nỗ lực, là sự đền đáp niềm tin tưởng, yêu thương dìu dắt, hướng dẫn của các thầy cô trong trường.

Với những thành tích ấy, 3 năm liền Lâm được tặng danh hiệu "Gương mặt học sinh tiêu biểu" và được vinh danh tại Lễ tôn vinh gương mặt giáo viên, học sinh tiêu biểu của nhà trường.

Nhưng với người mẹ luôn dõi theo con từng ngày, hạnh phúc lớn nhất không chỉ là thành tích mà còn bởi Lâm đã không còn cảm giác cô độc. Lâm hòa đồng, được các bạn yêu thương gọi là "học giỏi nhất lớp", là "từ điển Toán học", là cán sự môn Toán để giúp đỡ các bạn... Hạnh phúc khi nghe ước mơ của con trai được trở thành nhà nghiên cứu toán học, thầy giáo dạy Toán và ngày ước mơ trở thành hiện thực đã thật gần...

Theo GD&TĐ

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hành trình của cậu bé tự kỷ đến huy chương Vàng thế giới tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Gương Mặt khác

Khánh Hà - “cô nàng nam châm" hút giải

Ở trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), “sếp trưởng” Hồ Khánh Hà (lớp 9/8) luôn được thầy cô và các bạn yêu mến. Cô nàng Liên đội trưởng này học cực siêu và sở hữu cho mình một thành tích học tập rất “khủng”.

Nam sinh lớp 6 đạt 920 điểm TOEIC

Nguyễn Nam Long, học sinh lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đạt điểm TOIEC 920/990 và đặt mục tiêu đạt điểm tuyệt đối sau hai năm nữa.

Rô-bốt hình người siêu nhỏ

Vừa qua, nhóm 4 học sinh gồm: Aaron Ho Yat Fung, Isaac Zachary To, Justin Wang Tou Dương và Ngo Hei Leung (trường Nam sinh Diocesan, Hong Kong) đã chế tạo rô-bốt hình người nhỏ nhất từng ghi nhận trên thế giới.Họ đã phá kỷ lục trước đó do Zain Ahmad Qureshi (người Pakistan) thiết lập vào năm 2022.