Học sinh vùng khó đam mê sáng tạo

ngochiep
Dù điều kiện học tập còn nhiều khó khăn song với niềm đam mê, nhiều học sinh tại TT-Huế đã sáng tạo ra nhiều đề tài, sản phẩm độc đáo và đặc biệt có khả năng ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống

Biến phế thải thành hàng mỹ nghệ

Với sản phẩm “Đèn trang trí từ vật dụng phế thải”, hai bạn Nguyễn Thị Thuận (lớp 9/1) và Phan Thị Anh Thư (lớp 7/1, cùng Trường THCS Nguyễn Khoa Thuyên ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) đã xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Thị xã Hương Trà và giải Khuyến khích cấp tỉnh năm 2017.

Nói về ý tưởng chọn sản phẩm, hai bạn cho biết, trường các bạn thuộc địa bàn có nhiều thắng cảnh đẹp như khu du lịch Cồn Tè, rừng sinh thái ngập mặn Rú Chá, phố cổ Bao Vinh... Những địa điểm này thường xuyên thu hút nhiều khách tham quan và nghỉ dưỡng. Dù điều đó đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho địa phương nhưng cũng vì thế mà một lượng rác thải xuất hiện ngày càng nhiều, tác động không nhỏ đến môi trường. Từ thực tế đó, các bạn đã tận dụng phế thải đã bỏ đi như vỏ lon, khuy lon, chai nhựa... để tạo ra những sản phẩm ý nghĩa: đèn ngủ, giỏ xách tay, lọ hoa, hộp bút, vật dụng trang trí đa dạng và hết sức đẹp mắt. “Những vật thải rất dễ tìm kiếm, chúng em thấy người ta vứt là đi nhặt lại. Kèm theo một số vật dụng rẻ tiền, đủ khả năng tài chính của bọn em như chỉ, hạt cườm hay những hạt nhựa màu... là có thể tạo ra những sản phẩm trang trí đẹp mắt”, Thuận cho hay.

Nhận xét về đề tài của Thư và Thuận, thầy Nguyễn Văn Tương - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khoa Thuyên nói: “Đề tài và sản phẩm góp phần giúp các em nhận thức được ý thức về môi trường. Lượm nhặt phế thải để làm những sản phẩm có giá trị kinh tế cho xã hội, đồng thời giáo dục các em thường xuyên bảo vệ môi trường ở nhà trường cũng như ở gia đình và các thôn xóm”.

“Qua những sản phẩm được tạo ra, chúng em muốn gửi đến thông điệp là mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường”, Thư và Thuận bộc bạch.

Máy bay thăm dò đám cháy

Bạn Lê Quý Đức, học sinh lớp 9 Trường THCS Khe Tre, miền núi Nam Đông đã nghiên cứu và chế tạo ra mô hình sản phẩm “Máy bay thăm dò đám cháy” nhằm góp phần trong việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn ở những vùng có địa hình khó khăn. Với sản phẩm này, Đức vừa xuất sắc giành được giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng huyện Nam Đông năm 2017.

“Vào mùa hè, nắng nóng có nguy cơ cháy rất cao tại địa phương. Ngoài ra, tại Nam Đông mà em đang sinh sống đã và đang xảy ra nhiều đám cháy lớn, địa hình lại hiểm trở nên việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, em nghĩ rất cần có một thiết bị bay trên cao có gắn camera để quan sát, theo dõi và đưa ra các phương án đối phó”, Đức nói về nguyên nhân thực hiện đề tài.

Được sự hướng dẫn của thầy cô và bố, từ khi bắt đầu nảy sinh ý tưởng thì khoảng hơn 1 tháng sau, Đức đã nhanh chóng hoàn thành và thử nghiệm tốt sản phẩm ở nhiều địa điểm có không gian rộng. Đề tài máy bay thăm dò đám cháy được xây dựng trên cơ sở thiết bị bay được đẩy bằng phản lực của cánh quạt, thân máy bay làm bằng xốp nhẹ ốp đề-can tạo khí động học giúp máy bay lướt nhanh hơn.

Máy bay hoạt động theo nguyên lý phản lực, động cơ đẩy gió ra sau và máy bay đi tới. Khi cần lái máy bay thì điều khiển hai cánh lái hai bên. Muốn máy bay đi lên và xuống thì điều khiển cánh đuôi. Tất cả được điều khiển bằng 3 kênh từ bộ điều khiển từ xa. “Tính mới của đề tài đó là máy bay có thể hoạt động trong bán kính 500m, có thể quan sát mặt đất bằng camera gắn trên máy bay thông qua điện thoại bằng sóng wifi do camera phát về”, Đức chia sẻ.

Thiết bị bay do Đức sáng tạo với các thành phần tự chế, một số thiết bị được nhặt từ phế liệu và xin lại từ các thiết bị hư hỏng khác nên chỉ có giá thành khoảng 350 ngàn đồng. Điểm đặc biệt của bộ thiết bị bay này là được gắn camera truyền tín hiệu qua wifi về điện thoại hoặc máy tính để quan sát các vật thể ở mặt đất như đám cháy. Sản phẩm của bạn có thể áp dụng ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi còn nghèo, chưa có điều kiện đầu tư về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

Thầy Trần Đăng Khương - giáo viên hướng dẫn của Đức cho biết: “Đức đã trải qua nhiều lần thất bại để có được sản phẩm như hiện nay. Máy bay có thể đo được phạm vi đám cháy, camera xoay và bay thẳng đứng. Sản phẩm có khả năng ứng dụng cao, nếu được đầu tư thì nó có khả năng được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn”.

Theo Công an Thành phố Đà Nẵng

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Học sinh vùng khó đam mê sáng tạo tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Tấm lòng của giáo viên với học trò

Ở trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) với tấm lòng yêu mến trẻ thơ, các thầy cô luôn hỗ trợ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Rộn ràng ngày hội STEM “Những nhà phát minh tương lai”

Các bạn học sinh của trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) vừa tưng bừng tham gia Ngày hội giáo dục STEM “Những nhà phát minh tương lai” lần thứ 4 và Ngày hội Toán học lần thứ 1 năm học 2023 – 2024 ngay tại ngôi trường thân yêu của mình.