Hồ Trung Dũng ra mắt “đứa con tinh thần” mới - Trung tâm tiếng Đức Café Deutsch

Sau âm nhạc, thì ngôn ngữ là niềm đam mê thứ hai của “quý ông hát nhạc Jazz” Hồ Trung Dũng, đặc biệt là tiếng Đức.

Anh Hồ Trung Dũng luôn tạo điều kiện cho chính bản thân mình được sống và giao tiếp với ngôn ngữ này – một ngôn ngữ có đặc thù riêng, mà với những ai chưa tiếp xúc sẽ cảm thấy không dễ dàng. Mong muốn chia sẻ vẻ đẹp của tiếng Đức luôn âm ỉ trong tư duy, nên không khó hiểu khi Hồ Trung Dũng ra mắt đứa con tinh thần mới, một “sản phẩm mới” – đó là Trung tâm tiếng Đức Café Deutsch.

Tại buổi giới thiệu này, hai nhà sáng lập Trung tâm tiếng Đức Café Deutsch– Hồ Trung Dũng và Henning Hilbert (nguyên Viện trưởng Viện Geothe) muốn chia sẻ với mọi người không gian học tập được thiết kế đầy sáng tạo và đậm chất Đức như chính tên gọi – Café Deutsch. Ngoài việc được cung cấp thông tin và tư vấn về việc học tiếng Đức, mọi người còn có thể tham gia học tiếng Đức “siêu tốc” cùng thầy Henning Hilbert, và học hát tiếng Đức cùng “ca sỹ” Hồ Trung Dũng.

“Chúng tôi – những nhà sáng lập Café Deutsch mong muốn nơi đây không chỉ là nơi dạy và học tiếng Đức chất lượng cao, mà còn là nơi gặp gỡ của tất cả những ai yêu nước Đức và tiếng Đức. Mỗi một lần gặp gỡ sẽ có một chủ đề riêng để cùng trò chuyện. Cho dù bạn là học viên của bất kỳ trường Đức ngữ nào tại TP. HCM và mong muốn có thêm cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm học tiếng Đức với những người học khác, hay chỉ đơn giản là muốn tìm hiểu về tiếng Đức. Các giảng viên của Café Deutsch sẽ hỗ trợ bạn khi cần thiết, bởi… học ngôn ngữ là một hành trình”_ Hồ Trung Dũng thật tâm chia sẻ.

Vậy là hành trình chia sẻ niềm đam mê ngôn ngữ Đức của Hồ Trung Dũng đã bắt đầu, những ai có cùng đam mê với anh cũng sẽ có thêm một sân chơi thú vị, và câu lạc bộ tiếng Đức Café Deutsch sẽ có buổi giao lưu đầu tiên vào thứ Ba, ngày 11/06/2019, chào đón tất cả mọi người (phù hợp với các bạn đã có trình độ tiếng Đức A2 trở lên). Bạn có thể đến bất cứ lúc nào, từ 18h30 – 20h30, tại Trung tâm tiếng Đức Café Deutsch, lầu 2, 5A Phan Kế Bính, Phường ĐaKao, Quận 1, TP. HCM.

Nghệ sỹ kinh doanh vốn không lạ, nhưng với ca sỹ Hồ Trung Dũng thì rất lạ - vì xét theo con đường ca hát mà chàng ca sỹ tài hoa này gầy dựng, thì rõ là không thấy bóng dáng của sự “kinh doanh” đâu cả. Trong khi các nghệ sỹ khác theo đuổi các lĩnh vực kinh doanh có vẻ nhanh thu hồi vốn, thì Hồ Trung Dũng lại theo đuổi hướng kinh doanh về giáo dục, mà còn là ca sỹ duy nhất mở trường dạy tiếng Đức, cũng là nghệ sỹ duy nhất mở trường dạy ngôn ngữ mà kết hợp không gian uống cà phê. Cũng là một cách làm giàu, nhưng làm giàu về tri thức và chia sẻ kiến thức – chẳng phải rất lạ và có nhiều điều để khám phá hay sao!?

 Hãy cùng lắng nghe Hồ Trung Dũng chia sẻ về "đứa con tinh thần" mới toanh này nhé!

Hồ Trung Dũng có những dự án âm nhạc được ấp ủ và thực hiện trong thời gian rất lâu, như Saigon Feel là 6 năm, vậy “sản phẩm” mới này phải chăng cũng đã được chuẩn bị từ nhiều năm nước?

Dũng mê tiếng Đức, nhưng suy nghĩ về việc mở trường thì chỉ mới có ý định từ 6 tháng trước mà thôi. Đâu đó trong những lần trò chuyện cùng bạn bè, và qua những chuyến lưu diễn, Dũng quan sát, nhận thấy và biết được thị trường tiếng Đức đang ngày càng mở rộng, nhu cầu học tiếng Đức khá nhiều, nhưng số lượng trường dạy tiếng Đức và chất lượng tốt thật sự lại không nhiều. Từ đó, Dũng nghĩ nhiều hơn về việc mở trường, và bây giờ thì ý tưởng đó đã trở thành hiện thực rồi.

Nếu ví tiếng Đức như một cô gái, thì tình yêu Hồ Trung Dũng dành cho cô gái đó sâu đậm như thế nào, bởi chắc cũng đã 20 năm có lẻ kể từ ngày Dũng đi du học, phải không?

Chắc là “mối tình 20 năm”!

Thực tế trước đây Dũng đã từng chia sẻ nhiều về cái duyên với tiếng Đức, nện mọi người cũng đã quá hiểu sự gắn bó của Dũng với tiếng Đức, hoặc với ngôn ngữ nói chung như thế nào rồi. Ban đầu là thấy thu hút vì lạ, sau là thích, rồi dần cảm nhận được cái đẹp, mà vẻ đẹp thì cũng tùy mắt nhìn đúng không!?!

Sau gần 20 năm sử dụng tiếng Đức như một ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng Việt, thì Dũng cảm thấy mình đã nhận được rất nhiều khi học tiếng Đức, những người bạn mới, những thế giới mới, những kiến thức mới đã mở ra cho Dũng những mối quan hệ đẹp, và những trải nghiệm thú vị.

Đó là chưa kể đến việc khi đào sâu tìm hiểu ngôn ngữ này, sẽ phát hiện ra nhiều điều hay ho, phải bóc từng lớp để cảm nhận. Nếu bạn ví tiếng Đức như cô gái, thì đây là cô gái đẹp, gắn bó lâu dần sẽ khó mà dứt ra được vì cô ấy tinh tế quá, giản dị nhưng rất có chiều sâu, cô ấy tư duy vô cùng logic, và hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến bạn. Đến giờ này thì không thể gọi là tình yêu nữa rồi, mà là tình thân, hoặc có thể gọi là “tri kỷ”.

Tại sao phải là tiếng Đức, mà không phải là một ngôn ngữ nào khác?

Để gọi là sành sỏi, Dũng chỉ có thể nhận mình tốt tiếng Việt, tiếng Đức, và tiếng Anh, một số ngôn ngữ khác mà khán giả đôi khi có dịp nghe Dũng hát, như Tây Ban Nha, Pháp, Nhật, Ý, v.v… thật ra là Dũng biết có giới hạn, tức chỉ học trong một thời gian rất ngắn, từ quen thuộc là “học cấp tốc” để có thể hát tốt được bài hát đó thôi. Điều này cũng bình thường đối với đa số nghệ sỹ, vì không ai có thể nhuần nhuyễn cùng lúc cả chục ngôn ngữ như vậy được.

Tại sao lại là tiếng Đức, vì không có lý khi bây giờ Hồ Trung Dũng mở trường dạy tiếng Việt sau bao nhiêu năm dạy tiếng Đức. Rất vô lý phải không!? Còn tiếng Anh thì thật lòng Dũng không hề có chút ý nghĩ gì cho việc mở trường dạy ngôn ngữ này, vì thị trường quá nhiều, từ lớn đến nhỏ, từ chất lượng cao hoàn hảo cho đến các cấp thấp hơn. Một biếng bánh bị chia nhỏ quá thì cũng không còn hấp dẫn nữa, bởi đây là bài toán kinh doanh mà.

Có thể thấy là nhận định chung của đa số, không phải tất cả, có thể là những người chưa học qua hoặc chưa hiểu nhiều về tiếng Đức, thì đều cho rằng đây là một ngôn ngữ khó, khó từ văn phạm tới cách phát âm. Dũng không nói rằng “tiếng Đức dễ lắm” được, vì bản thân đã học tiếng Đức từ rất lâu và sử dụng ngang với tiếng Việt. Điều cần nói ở đây là, tiếng Đức không khó, không khô cứng như mọi người vẫn nghĩ đâu! Hãy thử tìm hiểu, cho nó một khoảng thời gian nhất định để làm quen, Dũng tin là ít nhiều mọi người sẽ có cách nhìn khác về tiếng Đức. Có khi lúc đó bạn sẽ là người mong muốn được chia sẻ ngôn ngữ này hơn cả Dũng đó chứ! 

Và, mở trường dạy tiếng Đức là nhắm vào mục đích chia sẻ đó?

Đúng, mà chưa đủ. Ai quan tâm và có theo dõi hành trình của Hồ Trung Dũng, đều biết hiếm khi Dũng làm gì mà không đặt sở thích cá nhân của mình vào đó, từ thiết kế nhà cửa cho đến sáng tác ca khúc và album. Trung tâm tiếng Đức Café Deutsch cũng không ngoại lệ, Dũng thích uống cà phê và yêu tiếng Đức, nên tên trường là Café Deutsch.

Dũng muốn có một không gian dạy và học theo đúng hình dung, tiêu chí của mình – đẹp, có cá tính, chất lượng cao, chi phí hợp lý, v.v… để thầy cũng thấy vui khi dạy và trò cũng thấy hào hứng khi học.

Ngôn ngữ là văn hóa, học ngôn ngữ là một hành trình, không thể một sớm một chiều mà có thể tiếp thu trọn vẹn, do vậy Dũng và người đồng sáng lập rất lưu tâm đến tất cả các chi tiết này, chỉ với một mục đích duy nhất - truyền tình yêu tiếng Đức đến nhiều người hơn nữa.

Vậy Café Deutsch đơn giản là một trung tâm tiếng Đức như những nơi khác, hay còn có điều gì khác biệt?

Café Deutsch không đơn giản chỉ là trung tâm dạy tiếng Đức, mà sẽ có nhiều hoạt động khác. Ý tưởng cho các hoạt động này xuất phát từ trải nghiệm của Dũng trong quá trình học và dạy tiếng Đức.

Dũng và người đồng sáng lập đều mong muốn tạo ra một nơi gặp gỡ của những người yêu tiếng Đức, muốn trao đổi thêm thông tin hữu ích về việc học tiếng Đức, hay về nước Đức. Café Deutsch không quan tâm bạn là người Đức sống tại Saigon và muốn gặp gỡ thêm nhiều bạn bè, hay bạn là đã học tiếng Đức từ lâu và muốn có cơ hội dùng tiếng Đức nhiều hơn, hay bạn là học viên của bất kỳ trường Đức ngữ nào tại Saigon và mong muốn có thêm cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm học tiếng Đức với những người học khác, v.v… Café Deutsch luôn mở cửa chào đón bạn đến.

Ngoài các khóa học từ cơ bản đến nâng cao, thì Café Deutsch còn là Câu lạc bộ tiếng Đức, sẽ có những buổi định kỳ hàng tuần hàng tháng, mỗi một lần gặp gỡ, sẽ có một chủ đề để cùng trò chuyện, và bạn có thể chia sẻ bất kỳ câu chuyện nào mà bạn đang quan tâm hay vướng mắc, những giáo viên của Café Deutsch sẽ đồng hành và hỗ trợ bạn khi cần thiết. Dũng đặt tên các buổi này là “Café Deutsch Stammtisch” và chào đón tất cả những ai đã có trình độ A2 trở lên. Tại sao phải là A2, vì đây là các buổi trò chuyện thảo luận để nâng cao phản xạ, nếu bạn nào chưa biết chút gì về tiếng Đức, thì e rằng không thể hiểu được câu chuyện, và không hiểu thì sẽ chán, chán rồi thì đôi khi lại ác cảm với tiếng Đức.

Xem như đó là duyên, nhưng để ý tưởng mở trường này trở thành hiện thực, thì Hồ Trung Dũng gặp những khó khăn gì?

Dũng cũng tin vào cái duyên, không phải mình mê tín nhưng ít nhiều mọi sự việc xảy ra trong cuộc sống này đều ít nhiều có sự sắp đặt, chỉ là mình sẽ nắm bắt và ứng xử với mối duyên ấy như thế nào. May mắn là Dũng có nhiều người bạn tốt từ những ngày đầu tiếp xúc với tiếng Đức, cả khi du học tại Đức và khi về đến Việt Nam, và một trong những người bạn đó đã có chung ý tưởng cũng như quyết tâm đồng hành cùng Dũng để mở ra Trung tâm tiếng Đức Café Deutsch.

Khó khăn thì nhiều chứ! Dũng và cả người bạn mình, đều cầu toàn, nên cái dễ đôi khi cũng thành khó, vì cả hai đều mong muốn “đứa con tinh thần” của mình được hoàn hảo nhất có thể. Theo đó thì chuyện tranh luận cũng diễn ra thường xuyên, nhưng vì là bạn than và đã quá hiểu nhau nên cũng không quá khó để thống nhất được ý kiến cuối cùng.

Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên chạm vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, nên thực tế khó khăn có thể kể đến là chuyện giấy phép, thủ tục, rồi cũng không thiếu những lúc hoang mang nghĩ về kế hoạch truyền thông hay quảng bá hình ảnh. Bởi đây là một lĩnh vực rất khác, kinh doanh nên không thể không có sự tính toán về đầu vào, đầu ra hay lợi nhuận, doanh thu, đặc biệt là khi “sản phẩm” này không phải chỉ của riêng mình Dũng.

Vậy với lịch trình bận rộn của một nghệ sỹ, thời gian đâu để Hồ Trung Dũng có thể điều hành tốt Trung tân tiếng Đức Café Deutsch?

Riêng phần này Dũng cũng lại may mắn, vì đã gặp được một người partner lý tưởng, chính là người bạn tốt cùng ý tưởng với Dũng - là giáo viên trước đây của Dũng, và cũng là bạn thân luôn – đó là Henning Hilbert.

Về chuyên môn thì quả thật không phải lo lắng gì, bởi Henning Hilbert từng là: giảng viên khoa ngữ văn Đức; Trưởng văn phòng của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức tại TP. HCM; Trưởng bộ phận đào tạo tiếng Đức của trường đại học Việt Đức; Viện Trưởng viện Goethe tại TP. HCM.

Quan trọng hơn hết là có cùng tầm nhìn về ngôi trường, nơi mà tiếng Đức sẽ là mạch dẫn chính để kết nối những giảng viên giỏi nhất về chuyên môn, tốt nhất về kỹ năng sư phạm, và tràn đầy nhiệt huyết với những thế hệ sinh viên học sinh và cả những ai yêu tiếng Đức – một cộng đồng văn minh.

Thị trường hiện không có nhiều trung tâm tiếng Đức, nhưng không phải là không có, vậy Hồ Trung Dũng và Café Deutsch có e ngại về sự cạnh tranh?

Kinh doanh là phải có cạnh tranh, Dũng không ngại hay e sợ gì về điều đó hết. Cá nhân Dũng tôn trọng sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh, vì điều cần làm là xây dựng được một cộng đồng, để chia sẻ và lan tỏa. Bây giờ chỉ đơn giản là lan tỏa tình yêu tiếng Đức, nhưng xa hơn sẽ là chia sẻ những vấn đề văn hóa xã hội khác rất đáng quan tâm, ví như “rác thải nhựa”, hay “sống tối giản”, v.v… hoặc có khi chỉ đơn giản là chia sẻ cho nhau một vài công thức nấu ăn ngon sạch lành đủ dinh dưỡng chẳng hạn. 

Hơn nữa, Café Deutsch cũng được định vị và có chiến lược riêng để phát triển. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng không phải là không có cơ sở để tự tin vào năng lực hay điều kiện giảng dạy để đảm bảo chất lượng đầu ra, vì chất lượng cao là điều kiện và là mục tiêu tiên quyết mà Dũng cùng các cộng sự có thể cam kết.

Hình như đâu đó Hồ Trung Dũng đã hát tiếng Đức vài lần, trong tương lai có dự định hát nhiều ca khúc tiếng Đức hơn không, như một cách PR?

Tiếng Đức khi hát, dễ mà khó để hay, do đặc trưng âm sắc. Một ý tưởng không tệ nhưng Dũng không nghĩ đến việc đó, có thể là Dũng sẽ cho tiếng Đức “len lỏi” vào các ca khúc mà Dũng sáng tác và ra MV trước, bằng subtitle, chỉ thế thôi! Đó cũng là một cách để sản phẩm âm nhạc của Dũng tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả hơn, nói riêng về vấn đề này thì dự định của Dũng không chỉ có tiếng Đức, mà cả một ngôn ngữ mà Dũng rất thích và rất muốn học, tuy chưa thu xếp được thời gian, đó là tiếng Nhật. Còn việc hát nhiều hơn các ca khúc tiếc Đức, và đặc biệt là dịch lời nhạc của mình ra tiếng Đức để hát thì chắc không phải là thời gian này. Nhưng hy vọng dù là ngôn ngữ nào thì Dũng cũng nhận được sự ủng hộ của khán giả, vì sự cổ vũ đó là động lực và cảm hứng để những người nghệ sỹ như Dũng thăng hoa hơn, có thêm chất xúc tác để cho ra mắt những sản phẩm tốt hơn.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hồ Trung Dũng ra mắt “đứa con tinh thần” mới - Trung tâm tiếng Đức Café Deutsch tại chuyên mục Sao - Show của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sao - Show khác

10 vai diễn làm nên tên tuổi Emma Stone

Emma Stone - nữ chính xuất sắc Oscar 2024, đây cũng là tượng vàng Oscar thứ 2 mà Emma xuất sắc nhận được trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Vậy những vai diễn nào của Emma được đánh giá cao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

MT Fashion show 2024: Khoảnh khắc đẹp của thời trang Xuân Hè cho bé

Sự kiện MT FASHION SHOW 2024 (Spring & Summer 2024) do MT Group tổ chức vào ngày 30/3/2024 tại Nhà thi đấu quận Thanh Xuân (166, Khuất Duy Tiến, TP. Hà Nội) đã thu hút đông đảo người hâm mộ. Mỗi nhà thiết kế mang đến một bộ sưu tập đầy màu sắc và nhạc điệu riêng, như một bản hòa ca muôn màu, sống động.