Khi “người lớn” quan tâm đến thiếu nhi
Lần đầu tiên có một “Trại sáng tác văn học Thiếu nhi” và một buổi “Toạ đàm Tranh Truyện - Truyện Tranh cho Thiếu nhi” tại Phú Yên, đây là niềm vui lớn nhất với thầy trò thành phố Tuy Hòa, đồng thời cũng là niềm vui với cùng lớn của các nhà văn dành tình yêu và tâm huyết viết cho các bạn nhỏ.
Đến tham dự Lễ khai mạc và Toạ đàm có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà Nghiên cứu Sử học Phan Đình Phùng – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhà văn Thái Chí Thanh – Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi và nhà thơ Bảo Ngọc – Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi; cùng 25 nhà văn, nhà thơ đến từ các tỉnh thành tham gia trại sáng tác văn học; các thầy cô giáo, các bạn học sinh đến từ 6 trường THCS và Tiểu học tại TP Tuy Hòa.
Lắng nghe những gì đang vang lên trong tâm hồn trẻ em
Tại Lễ Khai mạc Trại Văn học thiếu nhi, nhà văn Trần Quốc Toàn – người đã viết hàng chục cuốn sách dành cho thiếu nhi – chia sẻ: các nhà văn, nhà thơ đã khai bút từ 6 ngày trước. “Chúng tôi đã viết trong các phòng văn cùng đặt theo hướng chính Đông, nên mỗi sáng chúng tôi bắt đầu làm việc khi nghiên mực mặt trời tròn vo màu son, treo ngay trước bàn viết, của mỗi người. Chúng tôi nghĩ, từ bao nhiêu năm rồi, sóng biển đêm ngày mài giũa, gạn lọc từng mét vuông cát trắng thềm lục địa, để đủ mực nắng đọng thành nghiên mặt trời rực rỡ kia… Trong cảm hứng tích cực này, trại viên chúng đã và sẽ cùng nhau: Lắng nghe những bạn văn từ nhiều miền đất nước đã về đây để được học nhau, hiểu nhau, cùng nhau, nối trang, nối vần, góp phần phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam…”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định tầm quan trọng của văn học thiếu nhi đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, đồng thời nhìn nhận rằng trong nhiều năm qua tại Việt Nam, sáng tạo văn học thiếu nhi đã chùng xuống, chưa được đặt ở mức quan tâm đúng mức nhất.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: “Văn học dịch dành cho thiếu nhi được xuất bản rất nhiều và những cuốn sách văn học nước ngoài cũng đều hướng trẻ em của đất nước họ trở thành những người tốt, những công dân tốt trong tương lai. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, trẻ em Việt Nam trở thành công dân, trở thành người tốt trong tương lai phải mang tinh thần, văn hóa Việt. Bởi thế, văn học viết bằng tiếng Việt về những đề tài của Việt Nam, về thiên nhiên, về quê hương, làng xóm, về tổ tiên ông bà cha mẹ, về trường lớp, bạn bè… phải được tạo dựng. Hôm nay là một cuộc ra mắt, một buổi tọa đàm đặc biệt, vì có các em học sinh ở đây. Các em sẽ nói lên những suy nghĩ của các em về những cuốn sách dành cho thiếu nhi. Và tôi nghĩ rằng các nhà văn phải lắng nghe tiếng nói, trái tim, lắng nghe tất cả những gì đang vang lên trong tâm hồn mình…".
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lưu ý rằng để 100 năm nữa, chúng ta có những công dân, những con người tử tế trong đời sống xã hội, thì chúng ta cần phải làm tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em, bây giờ. Trẻ em cần nhà ở. Trẻ em cần đến trường. Trẻ em cần có phương tiện để học tập. Trẻ em cần những điều kiện sống… Nhưng có một điều quan trọng vô cùng: Trẻ em cần có đời sống tinh thần. Ở đó, trẻ em được nhìn thấy, được khám phá và được hưởng thụ những vẻ đẹp trong đời sống thường nhật. Nhà văn có nhiệm vụ khám phá, gợi mở những vẻ đẹp ấy và mang đến cho trẻ em.
Chính vì vậy, trong hơn 2 năm qua, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã đưa vấn đề sáng tác văn học thiếu nhi thành một chiến lược lớn. Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Hội đồng Văn học thiếu nhi (trước kia là Ban Văn học thiếu nhi), triển khai những dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa và kêu gọi sự quan tâm, đóng góp của toàn xã hội. Hội Nhà văn Việt Nam dự định mỗi năm sẽ in từ 5-10 vạn sách mang đến cho trẻ em.
“20-30 năm sau, trẻ em là những người sẽ quyết định nhân cách của dân tộc này. Nếu các em vô cảm với những cái cây ngoài đường, dửng dưng với những vấn đề về môi trường, thờ ơ với chính gia đình mình, vô cảm với người bên cạnh; nếu các em không có khả năng chia sẻ, không có khả năng rung động, không có khả năng khóc trước những số phận bất hạnh, thì đấy là điều rất nguy hại”. Chính vì thế, văn học thiếu nhi đóng góp một phần rất quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, nhân cách các em, để các em lớn lên trở thành những người tử tế, biết quan tâm, biết yêu thương, biết khoan dung", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định ý nghĩa của chương trình.
Vị khách đặc biệt
Đó là một cây bút trẻ - Nguyễn Thủy Tiên (32 tuổi), đến từ xã An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thủy Tiên bị sốt bại liệt chứng co rút chân tay phải nằm giường gần 20 năm nay. Vượt qua nghịch cảnh, Thủy Tiên có nghị lực sống phi thường và yêu văn chương rất mãnh liệt. Chị đã có 2 tập thơ được xuất bản: Mưa sao băng (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) và Triền sống (Nhà xuất bản Lao Động).
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói rằng nếu không có tình yêu văn chương, nếu không có những giấc mơ đẹp đẽ trong cuộc sống, không có khát vọng, Thủy Tiên không thể viết nên những cuốn sách, không thể tìm đến đây để lắng nghe những điều kỳ diệu từ các nhà văn và từ những người xung quanh mình. Đời sống dù còn nhiều thử thách, khó khăn nhưng Thủy Tiên là một ví dụ, một điển hình về một người trẻ với những giấc mơ đẹp đẽ và ý chí mạnh mẽ. Nhà thơ nói rằng những người trẻ mang lại những vẻ đẹp mới, những cảm hứng mới, tinh thần mới trong đời sống của mảnh đất này.
Cuộc giao lưu vô cùng ấn tượng
Buổi tọa đàm “Tranh truyện – truyện tranh cho thiếu nhi” diễn ra sôi nổi và nhiều cảm xúc. Các bạn học sinh trường Tiểu học Chu Văn An, TH Âu Cơ, trường THCS Nguyễn Chí Thạnh, THCS Hùng Vương, THCS Trần Phú… đã đưa ra nhiều phát biểu và nhiều câu hỏi thú vị. Khi các nhà thơ nhà văn đến gần và lắng nghe ý kiến của các bạn học sinh, tính thần cuộc giao lưu trở nên vô cùng hào hứng.
Chưa bao giờ có một buổi tọa đàm liên quan đến văn hóa đọc tổ chức tại Phú Yên lại cuốn hút học sinh tham gia tự tin và yêu thích đến thế - đó là chia sẻ cảm nhận của các thầy cô giáo tham dự Toạ đàm.
Thực sự đây là buổi tọa đàm ý nghĩa và mang tính thời sự về văn học thiếu nhi, mời các bạn cùng xem một số hình ảnh của hoạt động của các bạn nhỏ tại buổi toạ đàm "Tranh truyện - Truyện tranh cho thiếu nhi" nhé!