Lan tỏa thông tin, mở hướng giảm nghèo bền vững

Đức Trọng
Nhờ triển khai hiệu quả Tiểu dự án 1 về giảm nghèo thông tin thuộc Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã giúp người dân từng bước tiếp cận thông tin hữu ích, thay đổi nhận thức, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo.

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021–2025, thiếu hụt thông tin là một trong những tiêu chí cơ bản phản ánh mức độ nghèo. Xác định rõ điều này, huyện Hiệp Hòa đã chủ động triển khai nhiều giải pháp truyền thông thiết thực để giúp người dân, nhất là vùng nông thôn, có cơ hội tiếp cận thông tin chính thống, từ đó nâng cao hiểu biết và thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Ngọc Phương – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hiệp Hòa – cho biết: để người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, huyện chú trọng phổ cập Internet, mạng di động, chuyển đổi số và đưa thông tin về tận cơ sở. Trung bình mỗi năm, địa phương được phân bổ gần 200 triệu đồng để thực hiện Tiểu dự án 1, tập trung vào nâng cao năng lực cán bộ thông tin – truyền thông và sản xuất tin, bài báo chí tuyên truyền thiết yếu.

Hiện nay, hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn là kênh truyền thông hiệu quả ở 25 xã, thị trấn. Nhằm hiện đại hóa kênh truyền thanh, UBND huyện đã đầu tư nâng cấp đài truyền thanh IP (ứng dụng công nghệ viễn thông) tại nhiều xã. Năm 2024, hai xã Danh Thắng và Thường Thắng được lắp đặt hệ thống truyền thanh IP, nâng tổng số đài lên 5 với 50 cụm điểm loa. Ưu điểm của truyền thanh IP là tiết kiệm chi phí hạ tầng và vận hành đơn giản, chỉ cần thao tác trên máy tính hoặc điện thoại thông minh.

Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện tặng quà cho Bệnh binh Vũ Văn Hiệp thôn Ninh Tào, xã Hợp Thịnh
Ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện tặng quà cho người dân thôn Ninh Tào, xã Hợp Thịnh

Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Phạm Văn Nghị cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo thông tin. Trọng tâm là tuyên truyền các mô hình thoát nghèo hiệu quả, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ viễn thông – Internet, ứng dụng CNTT trong cuộc sống. Huyện cũng phát huy vai trò của 206 tổ công nghệ số cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử và tham gia quá trình chuyển đổi số”.

Theo thống kê, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ở Hiệp Hòa đạt 85,6%, hộ dân dùng Internet cáp quang đạt 80,5%. Những con số này cho thấy hiệu quả của công tác truyền thông và đầu tư hạ tầng thông tin.

Tại xã Thường Thắng, nhiều người dân đã hình thành thói quen cập nhật thông tin thời sự từ loa truyền thanh. Bà Nguyễn Thị Soạn (1950), thôn Đoàn Kết, chia sẻ: “Mỗi ngày ba lần, sáng, trưa và tối, tôi đều tranh thủ nghe đài khi làm việc nhà. Nhờ đó, tôi biết thêm nhiều thông tin bổ ích về thời sự và chính sách của Nhà nước”.

Đài truyền thanh xã Thường Thắng ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đến người dân trên địa bàn
Đài truyền thanh xã Thường Thắng ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đến người dân trên địa bàn

Không chỉ thay đổi thói quen nghe – nhìn, việc tiếp cận thông tin còn góp phần quan trọng vào quá trình giảm nghèo thực chất tại địa phương. Đến cuối năm 2023, Hiệp Hòa còn 947 hộ nghèo (tỷ lệ 1,61%) và 1.513 hộ cận nghèo (2,57%), vượt chỉ tiêu giảm nghèo đề ra trong năm. Đặc biệt, không còn người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo.

Từ thông tin chính sách, kiến thức sản xuất đến các mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hộ dân đã chủ động thay đổi tư duy, vươn lên làm kinh tế. Gia đình bà Phạm Thị Phương, thôn Tân Sơn (xã Hùng Sơn) từng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, xem truyền hình, nghe đài... bà đã quyết tâm thoát nghèo bằng cách chăn nuôi bò, lợn và gà thịt. Nhờ vậy, năm 2022, gia đình bà thoát nghèo, ổn định thu nhập, xây được nhà khang trang.

Tại xã Hợp Thịnh, Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Trung Thịnh với 24 thành viên đã tận dụng mạng xã hội làm kênh kết nối thị trường và học hỏi kỹ thuật trồng trọt. Mỗi hộ có 3 sào đất, thu nhập trung bình đạt khoảng 30 triệu đồng/sào/năm, là nguồn thu bền vững giúp nhiều hộ thoát nghèo.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Lan tỏa thông tin, mở hướng giảm nghèo bền vững tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Báo Đội - Nhịp cầu giữa gia đình và nhà trường

Trong hành trình giáo dục và rèn luyện học sinh trở thành những người công dân tốt, gia đình và nhà trường luôn đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, để hai môi trường này có thể phối hợp hiệu quả, cần có một “nhịp cầu” trung gian – đó là báo Đội, nơi kết nối cảm xúc và lan tỏa những giá trị tích cực.

Đọc sách hôm nay, thành công mai sau

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 2025, ngay từ cuối tháng 3, trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh (Nghệ An) đã có nhiều hoạt động sôi nổi với chủ đề “Đọc sách hôm nay, thành công mai sau”, đặc biệt là phong trào Đọc và làm theo báo Đội