Hơn 2.000 trẻ em Việt Nam bị bạo hành và xâm hại mỗi năm

ngochiep
Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) thống kê, trung bình hằng năm có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Trong đó, trẻ bị xâm hại tình dục chiếm gần 70%.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được hỗ trợ, can thiệp.

Sáng 22/11, tại Hà Nội, diễn ra lễ khởi động Sáng kiến toàn cầu về “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học – Cần bạn, cần tôi, cần cả thế giới”.

Phát biểu tại lễ khởi động sáng kiến, ông Đặng Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được hỗ trợ, can thiệp.

Bác Đặng Hoa Nam - Cục trưởng cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội 

Theo bác Nam, thời gian gần đây, những trường hợp bạo hành trẻ lại là người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như giáo viên mầm non vẫn tiếp diễn một phần do họ không hiểu biết về pháp luật. Một phần nữa do họ thiếu kỹ năng làm việc với trẻ trong khi hằng ngày lại thường xuyên tiếp xúc với trẻ dẫn đến mệt mỏi không kiềm chế được sinh ra nóng nảy.

Cục trưởng phân tích, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như giáo viên mầm non, cha mẹ, người làm việc ở trung tâm bảo trợ xã hội,… cần phải có kỹ năng và cách phòng ngừa để trẻ không bị xâm hại, trong đó có cả chính họ.Vì theo thống kê, những người trực tiếp chăm sóc trẻ lại dễ gây ra bạo lực cho trẻ nhất.

“Những người chăm sóc trẻ phải từng bước hướng dẫn kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất cho trẻ càng sớm càng tốt để có thể tự bảo vệ mình và thường xuyên giám sát cuộc sống của trẻ ở mọi nơi, mọi lúc để trẻ không bị xâm hại” – bác Nam chia sẻ.

Ngày càng nhiều vụ bạo hành trẻ em ở Việt Nam.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, có tới 4 vụ bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận. Sau vụ bảo mẫu ở Hà Nam tung em nhỏ hơn 1 tháng tuổi chưa làm dư luận nguôi giận dữ, tại Kiên Giang lại xảy ra trường hợp một bạn gái bị người thân dùng thanh sắt nóng ấn vào mặt và tay.

Vài ngày sau đó, tại TP. Hồ Chí Minh, dư luận bàng hoàng khi xem clip ghi cảnh các bạn nhỏ ở lớp mầm non tư thục Mầm Xanh bị bảo mẫu dùng nhiều vật dụng, thậm chí cả dao, đánh vào người. Mới đây, một cậu bạn 6 tuổi ở quận Tân Phú bị kẻ có tiền sử tâm thần làm bảo vệ dân phố sát hại. Và hai ngày trước, người dân phát hiện thi thể của bé gái 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa sau 2 ngày bị bắt cóc.

Chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy cái ác hiện diện một cách rõ ràng như vậy. Rõ đến độ không dám tin đó là sự thật.

Phát biểu tại sự kiện trên, cô Trần Thu Huyền - Trưởng Đại diện tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam nhận định, công tác bảo vệ trẻ em được đặc biệt coi trọng và đặt lên hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng cha mẹ hoặc người thân trong gia đình, một số thầy cô giáo vẫn dùng biện pháp trừng phạt thân thể với trẻ em.

Trưởng đại diện tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) tại Việt Nam

Lý giải cho việc vẫn xảy ra một số vụ bạo hành trẻ em gây bất bình dư luận trong thời gian qua, cô Thu Huyền cho rằng, nhiều bậc cha mẹ vẫn tin rằng, đòn roi là phương pháp hiệu quả để nuôi dạy con cái. Thế hệ của cô, thậm chí những thế hệ trẻ hơn cũng có xu hướng ảnh hưởng bởi quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”…

Về phía gia đình, bố mẹ phải thường xuyên dành thời gian trò chuyện với con xem có vấn đề gì đã xảy ra khi ở bên ngoài hay dấu vết bất thường trên cơ thể, biểu hiện về tâm lý, cùng với đó là dạy trẻ những chỗ nào trên cơ thể bố mẹ được đụng chạm mà người lạ thì không được phép để phòng ngừa bị xâm hại. Khi trẻ đã bị xâm hại thì phải biết cách tố cáo hành vi này, đặc biệt là xâm hại tình dục để làm thế nào đưa được thủ phạm ra trước pháp luật xử lý cùng với đó phải bảo vệ được chính đứa trẻ của mình.

Đừng để tuổi thơ của các bạn nhỏ là chuỗi ngày ám ảnh, ăn trong nước mắt, “vui chơi” trong nước mắt, “học” trong nước mắt và ngủ trong nước mắt. Đã đến lúc người lớn phải bảo vệ những mầm non của xã hội, việc chia sẻ những đoạn clip trẻ bị bạo hành với những lời bức xúc, phẫn nộ thôi chưa đủ mà chúng ta phải hành động. Hãy lên tiếng phản ánh nếu bạn phát hiện ở môi trường giáo dục nào đó có biểu hiện của sự bạo hành. Đừng để nạn bạo hành trở thành vấn nạn nhức nhối không lối thoát của xã hội.

Ngọc Hiệp (Tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hơn 2.000 trẻ em Việt Nam bị bạo hành và xâm hại mỗi năm tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.