Sau các sự kiện thể thao khu vực, châu lục hay thế giới luôn có những sự kiện tương ứng dành cho các vận động viên (VĐV) khuyết tật. Vì nhiều lý do, giải đấu của VĐV khuyết tật, hay còn gọi Para Games, không nhận được sự quan tâm rộng rãi.
Kết thúc kỳ ASIAD 2023 vào lúc này ở Hàng Châu (Trung Quốc) đang diễn ra Asian Para Games nhưng hiệu ứng truyền thông và sự quan tâm của người hâm mộ cũng khá hạn chế.
Tâm lý của người xem hầu hết cho rằng, người khuyết tật thi đấu thiếu hấp dẫn, tuy nhiên ở Para Games có rất nhiều ngôi sao, các kỷ lục bị phá liên tục, và có VĐV còn giỏi hơn người lành lặn.
Chuyện hiếm có xảy ra vào năm 2016. Trên đường chạy 1.500m tại Paralympic Rio 2016, 4 VĐV khuyết tật hạng thương tật T13 (VĐV suy yếu về thị lực) về đích trong đợt chạy chung kết với thời gian tốt hơn VĐV đoạt HCV 1.500m nam Olympic Rio 2016 là Matthew Centrowitz (Mỹ).
Trước đó, tại Olympic Rio, Matthew Centrowitz (26 tuổi) cán đích và đoạt HCV với thành tích 3 phút 50 giây. Nhưng thành tích này chưa là gì nếu so với nhóm VĐV khuyết tật dự thi Paralympic.
Cũng ở nội dung tương tự, Abdellatif Baka (Algeria) đoạt HCV với thành tích 3 phút 48 giây 29. Tamiru Demisse (Ethiopia) đoạt HCB với thành tích 3 phút 48 giây 59. HCĐ thuộc về VĐV Henry Kirwa (Kenya) với thành tích 3 phút 49 giây 59 giây. Chưa hết, VĐV về đích thứ 4 Fouad Baka cũng có thành tích vượt nhà vô địch Centrowitz là 3 phút 49 giây 84.
Ví dụ trên cho thấy, các sự kiện thể thao dành cho VĐV khuyết tật vẫn có rất nhiều bất ngờ, và sự hấp dẫn riêng.
Trở lại với Asian Para Games 2023 đang diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc) diễn ra từ 22 tới 28/10. Tính đến chiều 26/10, nước chủ nhà vẫn đang dẫn đầu với số lượng huy chương áp đảo 142 HCV, 117 HCB và 100 HCĐ, Iran đứng thứ 2 với 32 HCV, 36 HCB và 27 HCĐ, Nhật Bản đứng thứ 3 với 26 HCV, 27 HCB, 38 HCĐ. Đoàn Việt Nam có 6 HCB, 5 HCĐ tạm xếp hạng 22 trong tổng số 31 đoàn đã có huy chương.