Khám phá ẩm thực ngày lễ Giáng Sinh của các nước trên thế giới (Phần 1)

Lan Anh
Ngày lễ Giáng Sinh là ngày để mọi người quây quần bên nhau, tặng quà cho những người thương yêu và cùng thưởng thức những món ăn ngon lành.

Không khí của ngày lễ Giáng Sinh đã tràn về khắp nơi trên thế giới. Người người, nhà nhà đang đếm ngược từng ngày để chờ đến giây phút Chúa Giáng Sinh và cùng gia đình, bạn bè ăn bữa cơm quây quần.

Vào dịp Giáng Sinh, mỗi nước trên thế giới sẽ có những món ăn truyền thống riêng biệt để chuẩn bị cho ngày lễ lớn này, nó thể hiện văn hóa đặc trưng và khẩu vị của từng quốc gia. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về những món ăn truyền thống dịp Giáng Sinh vòng quanh thế giới nhé.

1. Iceland: Thịt cừu nướng

Iceland được xem là một trong những quốc gia ăn mừng ngày lễ Giáng Sinh hoành tráng nhất trên thế giới. Đối với người Iceland, món ăn truyền thống dịp lễ Giáng Sinh của họ thường là thịt đùi cừu nướng hay còn được gọi là “Yule meal”.

Món đùi cừu nướng ngon lành sẽ được ăn kèm với bánh mì được làm từ những miếng bột thật mỏng, sau đó bột làm bánh được cắt thành những hình dạng tùy theo sở thích rồi đem chiên vàng.

2.Canada: Bánh quy nướng

Vào ngày Giáng Sinh, rất nhiều gia đình ở Canada thường thích mở những bữa tiệc nho nhỏ trong đó có thịt nướng và bánh quy tự làm rồi mời bạn bè thân thiết đến tham dự và cùng thưởng thức.

Mỗi người đến bữa tiệc sẽ mang theo món bánh quy họ tự tay làm, mỗi người đều có công thức và tạo hình thành phẩm của riêng mình. Sau khi nướng bánh, họ cùng nhau bày biện bàn tiệc và thưởng thức chéo bánh quy của nhau. Cuối bữa tiệc, mỗi người đều có riêng một mẻ bánh quy nướng hỗn hợp đem về nhà như một món quà.

3. Australia: tiệc nướng BBQ

Vì là một châu lục nằm ở Nam bán cầu vậy nên ngày Giáng Sinh ở Australia rơi vào giữa mùa hè. Bởi vậy người dân ở Úc thường thích tổ chức những bữa tiệc nướng BBQ với đầy đủ bạn bè, đồng nghiệp và người thân quây quần vui vẻ bên nhau.

Người Úc không có món ăn truyền thống cố định trong ngày Giáng Sinh, tùy theo sở thích của từng người và thói quen của mỗi gia đình sẽ chọn những món ăn khác nhau. Thông thường trong bữa ăn chính thường có thêm salad và thịt nguội, một số người lớn tuổi thường sẽ chọn những loại thịt nướng truyền thống và tráng miệng bằng bánh pudding vị mận, có người lại thích ăn món nướng cổ điển kiểu châu Âu, số khác thì thích tôm nướng sốt chanh dây, ... Tất cả đều thuộc sở thích của mỗi nhà nhưng điều quan trọng nhất vẫn là không khí vui vẻ của bữa tiệc nướng và mọi người được quây quần bên nhau.

4. Đan Mạch: Ris á la mande - Bánh gạo hạnh nhân

Tại Đan Mạch, vào đêm Noel các gia đình đều ăn loại bánh truyền thống “Ris á la mande”. Đây là loại bánh gạo truyền thống đặc biệt được làm từ sữa, gạo, hạnh nhân, vanilla và kem đánh bông.

Món bánh này cũng liên quan đến một truyền thống đặc biệt của Đan Mạch. Toàn bộ phần hạnh nhân sẽ được giấu vào một góc bên trong vỏ chiếc bánh Ris á la mande làm từ gạo. Bất kỳ ai tìm được nhần nhân bánh này sẽ được gia chủ tặng cho một món quà bất ngờ.

5. Anh và Mỹ: Gà tây quay

Người ta thường nói sẽ không còn là Noel nữa nếu trên bàn không có gà tây. Truyền thống ăn gà tây vào dịp Giáng Sinh bắt nguồn từ nước Anh từ khoảng thế kỷ 16 và nhanh chóng lan truyền sang những nước khác, đặc biệt là những nước từng là thuộc địa của Anh (trong đó có Mỹ).

Món gà tây nổi tiếng đến nỗi năm 1843, nhà văn Anh Charles Dickens đã đưa món này vào tác phẩm kinh điển “A Christmas Carol” của mình.

Tại Mỹ, người ta thường dùng kèm gà tây với sốt nam việt quất (Cranberry), đây được coi như là một phần thiết yếu trong mọi bữa ăn Giáng Sinh. Cho dù là mua ngoài cửa hàng hay là sốt tự làm, lỏng hay đặc, sốt nam việt quất luôn phải có trên bàn ăn tối.

6. Đức: bánh mì Stollen

Stollen là một loại bánh kết hợp giữa bánh bông lan hạnh nhân và trái cây khô (nho khô hoặc việt quất khô,...). Vì được ăn trong dịp lễ Giáng Sinh nên loại bánh này còn được gọi là “Weihnachtsstollen” hoặc “Christstollen”. 

Loại bánh này lần đầu xuất hiện vào khoảng thể kỷ 15 và được xem như là món quà thể hiện tình yêu thương vào ngày Noel.

7. Pháp: Bánh khúc gỗ

Người Pháp có truyền thống ăn trưa, tối vào đêm Giáng sinh, hoặc sáng sớm hôm sau ngày lễ tổ chức ở nhà thờ. Gà tây nướng, hạt dẻ, thịt thú rừng nướng là những món ăn chính được thưởng thức trong bữa tiệc lớn cuối năm này.

Đến phần tráng miệng, họ thường làm bánh gato socola hình khúc gỗ hay còn được gọi là bánh “Bûche de Noël” ăn kèm với kem tươi. Trẻ em đặc biệt thích mê các món bánh Giáng sinh quyến rũ này. Món tráng miệng này còn được phục vụ vào lễ Noel ở Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ, Canada, Lebanon và một số nước từng là thuộc địa Pháp, Vương quốc Anh và Catalonia. Tên Bûche de Noël có từ năm 1945, trước đó được gọi là “Yule log“.

Truyền thống ăn bánh khúc gỗ này bắt nguồn từ lễ hội Yule xa xưa của người Scandinavia cổ. Trong ngày này người ta phải chuẩn bị một khúc gỗ lớn và đốt lên trong suốt 12 đêm để đón chào sự trở lại của thần mặt trời.

8. Hy Lạp: thịt nướng và bánh Baklava

Người Hy Lạp thường có truyền thống ăn các loại thịt nướng vào ngày Giáng Sinh, những món thường được lựa chọn là thịt cừu hoặc thịt lợn nướng.

Tiếp đó họ sẽ ăn tráng miệng bằng món bánh ngọt Baklava. Chiếc bánh này là sự kết hợp giữa các loại hạt xắt nhỏ cùng với mật ong hoặc siro ngọt ngào. Đây được xem như là một món ăn không thể thiếu trong các gia đình Hy Lạp vào mùa lễ hội.

(Còn tiếp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Khám phá ẩm thực ngày lễ Giáng Sinh của các nước trên thế giới (Phần 1) tại chuyên mục Ăn-Chơi của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Ăn-Chơi khác

"Bí kíp" nhận biết rắn có độc

Ở một đất nước nóng ẩm như Việt Nam, rắn bò vào nhà là chuyện không hiếm. Lúc đó, việc biết được con rắn ấy có độc hay không rất quan trọng. Vậy rắn độc và rắn không độc khác nhau ở điểm gì?

Trái Đất nặng tới mức nào?

Giới chuyên gia mất hàng trăm năm để ước tính khối lượng Trái Đất và cho tới nay vẫn chưa thống nhất về con số chính xác.