Khi niềng răng, bạn có thể phải nhổ những răng nào?

Minh Hồng
Có những trường hợp nhất định phải nhổ răng nhưng có nhiều trường hợp không nhất thiết phải như vậy.

Niềng răng là phương pháp sử dụng dây cung, mắc cài hoặc khay niềng trong suốt để nắn chỉnh răng về đều và đúng vị trí trên cung hàm. Niềng răng giúp bạn khắc phục đáng kể tình trạng mọc lệch, bị móm, hô, vẩu, khấp khểnh, hay khớp cắn ngược.

Dành cho hội mới nhập môn niềng răng, điểm qua 3 loại niềng phổ biến nhất hiện nay - Ảnh 4
Niềng răng giúp bạn có hàm răng đều và đẹp hơn.

Trung bình, bạn sẽ mất từ 1 – 3 năm tùy vào độ khó của răng cần niềng. Mỗi trường hợp răng khác nhau, các bác sĩ sẽ đưa ra lộ trình điều trị phù hợp. Ví dụ: Với những trường hợp răng bị khấp khểnh nhiều, cung hàm nhỏ không đủ chỗ để nắn chỉnh răng, bác sĩ có thể chỉ định nhổ răng để niềng. 

Hoặc nếu bạn gặp phải tình trạng răng thưa, có thể bạn không cần phải trải qua công đoạn nhổ răng mà vẫn kéo khít được răng về đều và đúng vị trí trên cung hàm.

Vậy những trường hợp nào cần phải nhổ răng khi niềng?

Nhiều người khi niềng răng phải nhổ bớt răng đi để tạo ra những khoảng trống giá trị giúp nắn chỉnh các răng khác về đều và đúng vị trí trên cung hàm.

Thông thường, niềng răng cho người trên 18 tuổi, các răng và xương hàm đã phát triển đầy đủ và khá cứng chắc nên có thể cần phải nhổ răng khi niềng. Những trường hợp thường phải nhổ răng mới có thể đảm bảo kết quả niềng răng như:

+ Răng hô

+ Răng móm

+ Răng lộn xộn/ khấp khểnh/ lệch lạc

Riêng trường hợp răng thưa, có thể hiếm khi phải trải qua quá trình nhổ răng để niềng. Bởi vì bản chất hàm răng thưa sẽ có khoảng hở giữa các kẽ răng. Nhiệm vụ của niềng răng thưa là đóng khít khoảng trống hở răng.

Khi niềng răng, bạn có thể phải nhổ những răng nào? - Ảnh 1
Bác sĩ cần thăm khám cẩn thận rồi mới quyết định bạn có cần niềng răng không

Niềng răng phải nhổ răng số mấy?

Sau khi chụp X-quang, lấy dấu mẫu hàm,… bác sĩ sẽ chỉ tiến hành nhổ răng nếu thấy cần thiết. Tùy vào tình trạng răng của người niềng mà bác sĩ có thể chỉ định nhổ răng số 4 hoặc răng số 8. Ngoài ra, nếu bạn gặp phải những trường hợp đặc biệt như có răng mọc ngầm, răng dư… bác sĩ có thể chỉ định nhổ hoặc tiểu phẫu các răng này.

Đối với việc nhổ răng số 4

Thông thường, các bác sĩ sẽ chọn răng số 4 để làm nhiệm vụ “hy sinh” tạo ra khoảng trống để nắn chỉnh các răng còn lại. Vì răng số 4 là răng cối nhỏ, thường không có nhiều chức năng ăn nhai như các răng khác.

Việc nhổ răng số 4 khá đơn giản và không mang lại cảm giác đau đớn nhiều, bạn vẫn có thể sinh hoạt và đi học bình thường. Khoảng trống nhổ răng được đóng khít sau khi kết thúc quá trình chỉnh nha. 

Cảm giác đau ít hoặc nhiều tùy vào ngưỡng chịu đau của mỗi bạn, thường chỉ cần uống 1 hoặc 2 liều giảm đau (Paracetamol 500mg) là ổn. Tùy vào tình trạng răng của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bao nhiêu cái răng số 4 để đủ khoảng trống xếp đều răng.

Khi niềng răng, bạn có thể phải nhổ những răng nào? - Ảnh 3
Răng số 4 đã bị nhổ

Đối với việc nhổ răng số 8

Nhổ răng số 8 hay răng khôn là cơn ác mộng với nhiều bạn. Không như răng số 4, việc nhổ răng khôn thường sẽ phức tạp hơn. Bởi vì răng khôn có thể mọc ngầm, mọc nghiêng hoặc nằm ngang… nên bác sĩ có thể dùng đến biện pháp tiểu phẫu, rạch nướu để lấy răng ra khỏi xương ổ răng. Vị trí tiểu phẫu sẽ được khâu lại và lành dần trong khoảng 7 - 10 ngày. 

Sau khi nhổ răng, bạn có thể bị sưng, đau từ 3 - 5 ngày tùy thuộc vào cơ địa của từng người.

Răng khôn là gì Phí Phương Anh cảm thấy
Nhổ răng khôn mang đến những đau đớn và phiền toái nhất định

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Khi niềng răng, bạn có thể phải nhổ những răng nào? tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác