Chính điều lạ lùng trong đề thi học sinh giỏi văn cấp thành Phố Hồ Chí Minh đã gây sự chú ý với các thầy cô, học sinh.
Ở ngay câu hỏi đầu tiên, đề thi đã nêu ra một câu đố về toán học kèm theo hình minh họa. Mới đọc lướt qua ai cũng nhầm tưởng mình như đang cầm trên tay tờ đề thi môn toán chứ không phải ngữ văn.
Thế nhưng chính sự "lắt léo" của đề thi lại mang tới cách nhìn nhận vấn đề cuộc sống thật độc đáo: "Dường như bãi đậu xe này đánh số không theo một quy tắc nào cả. Không phải thế đâu. Chỉ cần quy ngược tấm hình lại, em có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời. Cũng như vậy, trong cuộc sống, đôi khi chỉ cần thay đổi khóc nhìn, ta sẽ khám phá ra bao điều thú vị. Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em".
Cách gợi mở đề thi cho phần nghị luận xã hội này thực sự mới lạ, khiến cho thí sinh và nhiều bạn khác thấy thích thú. Nó sẽ gợi mở cho những tâm hồn yêu văn nhiều cánh cửa khác nhau, các bạn có thể thỏa sức bay bổng, sáng tạo.
Trả lời Tri thức trực tuyến, cô Nguyễn Ái Trà My, tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho hay cô rất bất ngờ khi cầm đề thi trên tay: "Lúc đầu, nhìn vào đề với hình ảnh, con số và câu đố, tôi thật sự hơi hoảng, không biết dụng ý của đề là gì. Nhưng lật ngược hình ảnh lại, đúng là vấn đề khác hẳn", cô My chia sẻ. Theo cô My, cách ra đề năm nay không quá mới nhưng cách đặt vấn đề, gợi mở lại rất lạ đối với học sinh. Với câu 1 của đề, các bạn sẽ có cơ hội nêu quan điểm cá nhân.
Câu hỏi nghị luận văn học cũng đòi hỏi các thí sinh phải nắm chắc các tác phẩm và kiến thức ngữ văn mới có thể đạt điểm cao.
Đây chắc hẳn là một “mảnh đất rộng” để các bạn học sinh giỏi văn tha hồ “diễn”, thể hiện tài năng của mình.
Ngọc Hà (Tổng hợp)