Lần đầu tiên thi đấu cờ vua ở Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, cậu học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chính (TP. Hồ Chí Minh) Lê Quang Liêm bị loại vì phạm luật do đối thủ "xí gạt" là "đi 2 nước một lúc cho nhanh". Buổi đầu chạm ngõ cờ vua bằng chuyện cười ra nước mắt như vậy, Liêm vẫn hồn nhiên tuyên bố với cha mẹ: "Con muốn trở thành nhà vô địch thế giới".
Giấc mơ trở thành số 1
Cả nhà lúc ấy nghe và chỉ bật cười với mơ ước của cậu con trai. Vậy mà 13 năm sau, tháng 7-2011, Lê Quang Liêm trở thành kỳ thủ thứ 49 trên thế giới được xếp vào nhóm siêu đại kiện tướng, tức sở hữu hệ số Elo từ 2.700 trở lên. Nhóm "elite" làng cờ này không nhiều, thường xuyên dao động khoảng 30-35 người. Lê Quang Liêm khi ấy mới tròn 20 tuổi.
Mục tiêu vô địch thế giới không còn là giấc mơ với chàng thanh niên này bởi sau đó chỉ 2 năm, anh giành được HCV cờ tiêu chuẩn tại Giải Vô địch châu Á 2013 rồi cả ngôi vô địch cờ chớp thế giới 2013 cách nhau chỉ vài tháng. Chạm tay đến những đỉnh cao của sự nghiệp cờ vua nhưng trong thâm tâm, Liêm vẫn chưa hài lòng với chính mình.
Hai ngôi vô địch Biel Grandmaster gắn với các cột mốc sự nghiệp của Lê Quang Liêm (giữa). Ảnh: BCF
Top 20 thế giới là mốc phấn đấu thứ nhất được Lê Quang Liêm đặt ra cho bản thân từ cuối năm 2011, thời điểm anh từ vị trí 49 nhảy vọt lên hạng 27 thế giới. Nếu xét theo Elo tức thời, Liêm hoàn toàn có thể chạm tay đến cột mốc lịch sử kể trên vào tháng 10-2017, thời điểm siêu đại kiện tướng duy nhất của Việt Nam giành HCV nội dung cờ tiêu chuẩn tại Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á (AIMAG 5) với Elo cực cao - 2.739.
Tuy vậy, Lê Quang Liêm phải chờ đến tháng 8-2022 - tức thêm 5 năm, bao gồm cả khoảng thời gian đại dịch COVID-19 làm ngưng đọng mọi hoạt động thể thao thế giới - để đạt được ước nguyện. Tính ra, anh mất tổng cộng 11 năm để cải thiện… 7 bậc trên bảng xếp hạng của FIDE.
Không chỉ có vậy, sau cột mốc thời gian đáng nhớ ấy chưa đầy 1 năm, Lê Quang Liêm tiếp tục thiết lập 2 kỳ tích: Đạt hệ số Elo cao nhất từ trước tới nay 2.740 và thứ hạng 15 thế giới theo bảng xếp hạng FIDE, vị trí cao nhất sự nghiệp của anh.
Đam mê thôi thúc
Không được đặc cách vào lớp 10 năm học 2006-2007 theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lê Quang Liêm vẫn tự tin trên con đường vừa chơi cờ hay vừa học giỏi văn hóa mà bản thân đã ước định. Năm 2017, anh tốt nghiệp cùng lúc 2 khoa Tài chính và Quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Webster (bang Missouri - Mỹ).
Nhiều người vẫn hỏi, sau khi tốt nghiệp đại học, liệu Lê Quang Liêm có ý định chia tay nghiệp thể thao hay không. Sáu năm qua, câu hỏi ngày càng trở nên lỗi thời khi anh lập gia đình, tiếp nhận vị trí Giám đốc Học viện Cờ SPICE và kiêm nhiệm HLV trưởng đội cờ vua Trường ĐH Webster - một trong những ê-kíp cờ vua sinh viên mạnh nhất nước Mỹ và vẫn thường xuyên bay khắp thế giới để thi đấu.
"Có mặt trong 20 hạng đầu thế giới đã là điều tuyệt vời nhưng Top 10 mới là điều mọi kỳ thủ luôn hướng tới. Đó là những vị trí nghiễm nhiên được mời tham dự các giải đấu hàng đầu thế giới như World Cup, Grand Chess Tour. Nếu thi đấu tốt tại các giải này, mỗi năm kỳ thủ có thể kiếm được khoản thu nhập từ tiền thưởng lên đến vài trăm ngàn USD. Đó cũng là một công việc mưu sinh tốt" - Lê Quang Liêm bày tỏ.
Góp mặt ở Top 10 thế giới (tương đương Elo 2.750) rồi Top 5 (Elo 2.800) và tiếp cận ngôi quán quân thế giới với Elo trên 2.800 chính là lộ trình thăng tiến mà Lê Quang Liêm đặt ra cho chính mình từ hơn chục năm trước, đến nay vẫn chưa hề thay đổi. Làm việc nghiêm túc và tận lực hơn 20 năm qua, có rất nhiều thời điểm tự nghiên cứu cờ trên dưới 10 giờ/ngày, tất cả làm nên một Lê Quang Liêm được cả làng cờ tôn trọng hôm nay.
(theo NLĐ)