Liên tục ghi nhận F0 trong cộng đồng, ngày càng nhiều địa phương đóng cửa trường học

Minh Hồng
Từ đầu tháng 11 tới nay, số trường học mở cửa đón học sinh đang giảm dần khi tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo thông kê của Bộ GD-ĐT, hiện có 28 tỉnh thành đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp toàn bộ hoặc kết hợp nhiều hình thức; 35 tỉnh thành chủ yếu dạy học trực tuyến và qua truyền hình; nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ 1 - 15/11.

Tuy nhiên, dạo gần đây, liên tiếp ghi nhận F0 trong cộng đồng và cả trường học khiến kế hoạch đi học trở lại của học sinh bị gián đoạn. Thực tế ghi nhận từ đầu tháng 11 tới nay, số địa phương có thể cho toàn bộ học sinh đến trường học trực tiếp có xu hướng giảm dần. 

TP.HCM lên phương án tổ chức đi học trở lại cho học sinh mầm non - Ảnh 1
Ảnh minh họa (Ảnh: VnExpress)

Hồi tháng 10, 100% học sinh ở 23 tỉnh, thành đến trường học tập trung nhưng sang đến tháng 11, học sinh tại nhiều phường, xã phải tạm dừng học trực tiếp vì địa phương phát sinh các ổ dịch mới, có F0 ngoài cộng đồng và trong trường học. 

Một số tình thành như Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Giang, Lai Châu, Nam Định, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sơn La… cho học sinh đi học trực tiếp từ đầu năm nhưng phải đóng cửa một số trường học do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Tại Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết đến nay tỉnh đã đóng cửa 142 trường, 145 trường kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Trước đó tỉnh này có 100% trường tổ chức dạy học trực tiếp.

Hay tại Hải Phòng, địa phương vốn được đánh giá phòng chống dịch tốt cũng phải đóng cửa toàn bộ trường học của quận Kiến An, trường THCS Hồng Bàng và trường tiểu học Nguyễn Huệ vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tương tự sau thời gian dài học trực tiếp, học sinh TP.Uông Bí và học sinh tiểu học, THCS của 3 xã: Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây, Hoàng Quế (TX.Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh cũng phải nghỉ học, chuyển sang học trực tuyến; trẻ mầm non ở các địa bàn này tạm dừng đến trường vì xuất hiện ca bệnh và ổ dịch mới.

Nam Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai là những tỉnh từng cho học sinh đến trường từ đầu năm nhưng đến đầu tháng 11 phải cho học sinh tại một số địa bàn tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến.

Liên tục ghi nhận F0 trong cộng đồng, ngày càng nhiều địa phương đóng cửa trường học - Ảnh 1

Trước đó, trong hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo diễn ra vào ngày 8/11, một số địa phương đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn việc đeo khẩu trang trong trường học để vừa hiệu quả, vừa khả thi, an toàn, cũng như việc xử trí khi trường học xuất hiện F0, F1, F2 như thế nào để thích ứng an toàn trong tình hình mới.

Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay các địa phương cần linh hoạt trong việc quyết định cho học sinh trở lại trường, căn cứ vào cấp độ dịch của các địa bàn cấp tỉnh, huyện, thậm chí đến từng đơn vị cấp xã. Khi trường học xuất hiện F0, cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này.

Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong toả toàn trường trong thời gian dài, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có thể chỉ phong toả lớp học/tầng học/toà nhà có F0. Sau 24h khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/toà nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Liên tục ghi nhận F0 trong cộng đồng, ngày càng nhiều địa phương đóng cửa trường học tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Ngày hội giúp em thêm yêu những trang sách

Các bạn biết không? Từ thời xa xưa, cha ông chúng mình đã rất đề cao vai trò của những cuốn sách, coi sách như gia tài đáng quý nhất. Thành ngữ của dân tộc ta đã có câu: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”. Thấm nhuần được điều đó, ở hầu hết các môi trường giáo dục đều đề cao “văn hóa học”, khuyến khích các bạn học sinh siêng năng đọc sách, tiếp thu tri thức.

Chuyển đổi số qua cuộc thi "Rung chuông vàng"

Khác với những cuộc thi "Rung chuông vàng" thường thấy, khi học sinh dùng bút và bảng để trả lời câu hỏi. Các bạn học sinh trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, TP. Hà Nội) đã có một sân chơi chuyển đổi số khi dùng máy tính bảng chọn đáp án.