Mừng, lo với đề xuất miễn học phí cấp học mầm non

Phan Thoa
Ngoài trẻ trường công lập, phần lớn đang phải cậy nhờ vào những cơ sở tư nhân - nhất là con em người lao động đang thuê trọ ở các TP lớn. Các em có được hưởng chính sách này hay chỉ học trường công mới được hưởng?

VnExpress cho biết, ngày 4/12, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh cho biết, đã đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi hệ giáo dục công lập. Đề xuất dựa trên cơ sở Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đến trường là 92,16%, trẻ 5 tuổi là 98,75%, tính đến năm học 2016-2017. Nghị quyết 29 của Đảng cũng đặt ra mục tiêu miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi trước năm 2020.

Ảnh minh họa

Ông Minh phân tích, theo Nghị quyết 46 (tháng 5/2017), từ năm 2018 trẻ 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được miễn học phí để "đảm bảo mọi đối tượng trong độ tuổi đều được tiếp cận với giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường". Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn, miền núi khác, đặc biệt với các hộ cận nghèo, mức học phí hiện nay dù thấp vẫn là rào cản, gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường. 

Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, GS.TS Phạm Tất Dong đồng tình miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi. Nhiều quốc gia đã miễn học phí cho cấp học này. "Ở Việt Nam quy định giáo dục phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, mà phổ cập tức là học cưỡng bức thì Nhà nước cần có chính sách để trẻ nhà nghèo cũng có thể đến trường", ông Dong nói.

Tuy nhiên, giáo sư trăn trở nếu chỉ miễn học phí cho hệ công lập thì có tạo công bằng cho trẻ học mầm non tư thục? Hiện nay nhà nước chưa đáp ứng đủ cơ sở trường lớp cho bậc học mầm non khiến nhiều gia đình phải gửi trẻ vào trường tư thục. Số đông trong nhóm trẻ này lại là con em của công nhân, lao động tự do từ quê nghèo lên thành phố làm việc, không có hộ khẩu đúng tuyến nên không thể vào học trường công. Do đó, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đề nghị cần có chính sách hỗ trợ một phần học phí cho trẻ ở mầm non tư thục. 

Tuy nhiên theo Tri thức trực tuyến,  về phía phụ huynh, nhiều người cho rằng đề xuất miễn học phí tới cấp học mầm non rất khó khả thi.

Vì hiện nay, ngoài số trẻ được vào trường công lập, phần lớn đang phải cậy nhờ vào những cơ sở tư nhân - nhất là con em người lao động đang thuê trọ ở các TP lớn. Các em có được hưởng chính sách này hay chỉ học trường công mới được hưởng?

“Nếu chỉ học trường công mới được miễn học phí thì con em chúng tôi sẽ bị thiệt thòi. Vì thế chính sách này chưa quan trọng bằng việc đảm bảo đủ trường lớp, để tất cả các cháu đến tuổi học mầm non đều được tạo điều kiện vào trường công học”, anh Quang Long (quê Hà Nam, đang tạm trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ.

Ngoài nỗi lo thiếu trường lớp, không ít phụ huynh lo lắng càng miễn học phí, các khoản phụ thu sẽ càng tăng, trở thành “gánh nặng” cho nhiều gia đình. 

Hơn nữa, ở những thành phố lớn, chẳng hạn như Hà Nội, dù tăng tới gần 40% so với năm học trước, nhưng mức thu học phí của học sinh mầm non, THCS, THPT năm học 2017-2018 khu vực thành thị là 110.000 đồng/tháng, nông thôn 55.000đồng/tháng. Số tiền này không đáng là bao so với các khoản thu xã hội hóa ở nhiều trường hiện nay.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng GD&ĐT) cho rằng để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu.

“Nhiều nước trên thế giới, đi học phổ thông không bị thu gì cả. Nhiều nơi còn có bữa cơm trưa, cung cấp quần áo đồng phục cho học sinh. Không thu gì, đương nhiên sẽ không có chuyện lạm thu. Còn nước ta điều kiện chưa cho phép được như thế.

Để chấm dứt tình trạng lạm thu, tôi nghĩ cần xử lý nghiêm hiệu trưởng. Vì lạm thu cũng chính là một hình thức tham nhũng trong giáo dục”, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ. 



Minh Anh (tổng hợp)

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Mừng, lo với đề xuất miễn học phí cấp học mầm non tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.