Từ khi tớ về đây, nơi này trở thành địa điểm tham quan thu hút mọi du khách trong nước và cả trời Tây. Vui nhất là được đón các bạn nhỏ đến chiêm ngưỡng lúc tớ “phun châu nhả ngọc”, thổi lửa và nước lên trời. Mọi người gọi tớ với cái tên thân thuộc là Cầu Rồng.
MANG hình dáng rồng Việt đậm nét (theo các nhà nghiên cứu là rồng thời Lý), tớ chính là “con đẻ” của các nhà thiết kế, kỹ sư bậc nhất trên thế giới. Thiết kế của tớ được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ; là biểu tượng mới của người dân Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Toàn bộ Cầu Rồng được xây dựng với quy mô vĩnh cửu, tổng chiều dài 666 mét, trọng lượng lên đến 9.000 tấn. Phần đầu tớ dài 18,24 mét, nặng 194,1 tấn; thân tớ dài 530 mét, nặng 8.405 tấn còn phần đuôi mang hình dáng hoa sen cách điệu dài 19,37 mét, nặng 183,9 tấn. Chỉ riêng phần vảy của tớ cũng đã nặng đến 118,9 tấn... Dù to lớn và rất nặng nhưng các kiến trúc sư, họa sĩ, các nhà điêu khắc tài ba trong nước và nước ngoài đã tạo cho tớ một dáng vóc uốn lượn nhẹ nhàng, uy nghi lẫm liệt và luôn ở tư thế bay cao lên tận trời xanh. Khi đêm về, tớ được thắp sáng bởi 2.500 điểm đèn LED thông minh, màu sắc ánh sáng thay đổi liên tục tạo nên vẻ đẹp lung linh. Bề ngoài tớ còn được phủ thêm 5 lớp sơn chống tác động ăn mòn, hài hòa với cảnh quan và đài phun nước, phun lửa cùng hệ thống chiếu sáng hiện đại. Đặc biệt, đều đặn cứ đến 21 giờ các ngày thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật hằng tuần là tớ trở lại chính mình, được phun nước và lửa vốn như bản năng của loài rồng vậy.
Để phun được những luồng lửa phục vụ du khách, các cô chú bên kỹ thuật áp dụng phương pháp nén dầu DO/KO ở áp suất cao, điều khiển tự động thông qua hệ thống “béc phun” chuyên dụng tạo ra quầng lửa như mong muốn. Yêu cầu cao của công nghệ này là phải làm sao cho lượng dầu được nén đủ đốt cháy hết trên không trung, không cho lửa bén xuống đường hoặc xung quanh. Phương pháp này từng được ông cha ta áp dụng đốt đèn măng sông khi chưa có điện.
Kỹ thuật phun nước thì đơn giản hơn, mỗi lần phun 3 phút, tớ không phun dòng nước đặc mà phun ra luồng hơi nước cực mạnh và đẹp thể hiện khát vọng vươn xa của “Thành phố đáng sống”. Để được như vậy, các kỹ sư thiết kế cho tớ một bồn chứa 30 mét khối nước và 325 mét khối khí nén; hai yếu tố này tạo ra hàng vạn mét khối hơi lẫn nước phun với lưu tốc (tốc độ dòng chảy) 1.944 lít/giây.
Theo trình tự, tớ sẽ phun lửa trước với 2 lượt, mỗi lượt 9 lần và tiếp theo là phun nước 3 lượt, mỗi lượt một lần. Tớ không chỉ đẹp và huyền bí khi phun lửa và nước, việc này còn ẩn chứa một ý nghĩa tâm linh mang tính truyền thuyết của loài rồng và những câu chuyện đẹp trong dân gian. Khi nơi nào đó có kẻ xấu đến phá phách, gây thiên tai lũ lụt hoặc tàn ác với dân lành thì rồng sẽ xuất hiện, dùng lửa để diệt tà, phá ác. Sau khi kẻ ác bị tiêu diệt, loài rồng chúng tớ lại phun nước làm mát dịu bầu trời, mang yên bình đến cho nhân dân.
Năm 2024 - năm Rồng đã đến rồi. Tớ chúc bạn đọc báo TNTP và NĐ một năm Giáp Thìn vạn sự như ý nhé!
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Tết TNTP Thứ Tư, số 17+21 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |