"Nàng tiên cá" Việt Nam

TNTP Chủ Nhật
Từ thời cổ đại, trường ca Odixê (Odyssey) của thi hào Homer người Hy Lạp đã nhắc tới “nàng tiên cá”. Nhưng sự thật trong thiên nhiên thì “nàng” chính là một loài thú biển hiền lành có tên là Dugong - bò biển. Sinh vật biển này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, hiện được bảo vệ nghiêm ngặt trên thế giới. Ở Việt Nam, Dugong có ở đâu?

Huyền thoại của biển cả suốt hơn 1.000 năm qua

“Dugong” bắt nguồn từ tiếng Ấn Độ – Mã Lai, có nghĩa là “heo biển” cũng có nghĩa là “người con gái đẹp”! Miền đảo Papua New Guinea gọi là “bò của biển”. Ở đảo Madagasca gọi là “heo hoang vùng san hô”. Vùng biển Đỏ gọi là “lạc đà biển”... Riêng với Việt Nam ngư dân gọi Dugong là “cá cúi” vì khi ăn chúng cứ cúi mõm xuống đáy gặm cỏ, gặm rong biển không khác loài bò!

Không chỉ mang danh “nàng tiên cá” gán ghép. Bò biển đúng là sinh vật kỳ lạ và hiếm hoi của biển. Vì tính tới giờ này các nhà khoa học ước đoán nó chỉ có khoảng 100.000 con trên toàn thế giới, so với nhiều loài khác có tới hàng triệu, hàng tỉ con thì Dugong quả là cực hiếm. Nó sinh sống tại 37 quốc gia. Và chỉ vài năm gần đây Dugong đã biến mất tại 3 nhóm đảo. Hiện nó đang là loại thú biển có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Loài vật hiền lành, có tiếng kêu như tiếng người!

Dugong là loài động vật biển duy nhất thuộc họ Dugongidae (bò biển). Là loài thú biển ăn cỏ thuần nhất (một ngày có thể ăn hết 30kg cỏ biển). Trung bình một con bò biển trưởng thành, dài khoảng 3m nặng tới 600kg, có thể sống tới 70 năm. Là loài thú có vú sống dưới nước, Dugong sinh sản rất ít, mỗi lần chỉ một cá thể, mang thai rất lâu tới 13 tháng mới sinh và nuôi con tới gần 2 năm mới tách đàn. Và từ 3 tới 7 năm nữa bò biển mẹ mới sinh con tiếp. Chính vì vậy tốc độ phục hồi quần thể của nó rất chậm.

Vậy vì sao Dugong lại được các nhà khoa học cũng như ngư dân gọi là “nàng tiên cá”?

Đầu tiên là hình dáng Dugong hơi giống người với cử chỉ rất hiền lành. Nó chỉ ngụp lặn ăn cỏ suốt ngày, không tỏ ra hung dữ cát cứ nguồn thức ăn. Đặc biệt, cách thức nuôi con rất giống con người, từ cách cho con bú là dùng hai chi trước bế con nhô lên khỏi mặt nước. Tiếng kêu của nó hệt như tiếng người mẹ ru con. Đây là một lý do người ta đã nghĩ về tiếng hát ru của “nàng tiên cá” !

"Nàng tiên cá" ở Việt Nam

Trong số 25 loài thú biển đã có mặt ở biển Việt Nam thì Dugong được biết đến tương đối chậm. Vào năm 2001, các nhà sinh vật biển quốc tế và Việt Nam mới báo động về hiện trạng Dugong bị giết hại ở vùng biển nước ta. Có lẽ hàng trăm năm nay Dugong đã bị bắt giết rất nhiều mà chẳng ai biết đó là Dugong. Nhiều ngư dân ở Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn thi nhau đánh bắt “cá cúi” (tên dân gian của Dugong) để ăn mà không biết đó là một sinh vật cực kỳ quý hiếm của đại dương.

Dugong đã từng sinh sống từ ven biển phía Bắc nước ta trải dài tới tỉnh Kiên Giang. Nhưng hiện nay Dugong chỉ còn lác đác ở vùng biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và Kiên Giang. Uớc tính khoảng chừng 10 cá thể mỗi nơi. Hiện các vùng biển này đang là những khu bảo tồn Dugong nghiêm ngặt!

Sứ giả biển khơi

Các chuyên gia về Dugong nhận định: “Ở Việt Nam có chừng 100 cá thể Dugong. Tuy vậy do đặc điểm sinh sản rất ít thì chỉ cần mất đi một cá thể thôi thì cũng là một sự nguy hại nghiêm trọng tới sự tồn tại của chúng”.

Theo Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải đương học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) thì nếu bảo tồn được các cá thể Dugong ở biển Việt Nam, cụ thể như ở Côn Đảo và Phú Quốc thì chắc chắn trên bản đồ du lịch nơi đây sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Bởi vì ngoài việc bảo vệ nguồn lợi sinh học thì cái tên Dugong - bò biển ấn tượng không kém gì tê giác rừng Cát Tiên (Lâm Đồng). Thực tế tại các công viên biển ở Australia, người ta đã bán vé cho du khách tới thăm nơi sinh sống của Dugong rất hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách ghé thăm “nàng tiên cá” huyền thoại.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm TNTP Chủ Nhật, số 80+84 năm 2024. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Chủ Nhật. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Nàng tiên cá" Việt Nam tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Vi vu mùa hè

Dù kỳ nghỉ hè đã trôi qua hơn nửa thời gian nhưng đang sẵn đà vui chơi tưng bừng, chúng mình ...

Bài Khám Phá khác