Nên có tổ chức giám hộ giữ tiền giúp trẻ?

Phan Thoa
Việc giúp đỡ một cậu bạn có hoàn cảnh đáng thương như Lộc là việc làm hết sức đáng trân trọng, tuy nhiên chúng ta cần tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra như trường hợp của Hào Anh năm nào.

Báo Thanh niên cho hay, sau khi thông tin bạn Trần Quốc Lộc (9 tuổi, ở Quảng Trị) phải sống một mình trong căn nhà trống giữa bia mộ đăng trên các phương tiện truyền thông, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp tiền, quà giúp bạn ấy.

Ảnh minh họa

Đến nay, nhiều nhà hảo tâm đã lên kế hoạch tới thăm, quyên tiền, quà ủng hộ Lộc. Có người muốn nhận bạn ấy về nuôi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đối với trường hợp của Lộc, một bạn còn quá nhỏ và không có người thân thường xuyên bên cạnh, thì giúp đỡ như thế nào là việc hết sức thận trọng, để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra như trường hợp của cậu bạn Hào Anh năm nào.

Ông Lê Hoàng Thạch (sáng lập quỹ từ thiện HTCB, TP.HCM), người nhiều năm làm công tác từ thiện chia sẻ: “Nên có một tổ chức giám hộ giữ tiền, chẳng hạn như hội chữ thập đỏ hoặc hội phụ nữ. Khi nào  Lộc đủ 18 tuổi mới giải ngân. Hoặc mỗi tháng giải ngân một số tiền căn bản phục vụ việc ăn học”.

Rất nhiều các hội nhóm từ thiện tại Việt Nam đang hoạt động tự phát, không phải là quỹ từ thiện, không có giấy phép hoạt động từ thiện được quy định theo pháp luật Việt Nam. Cũng khó đòi hỏi những hội nhóm này được kiểm toán minh bạch.

Ở rất nhiều hội nhóm từ thiện mà tôi biết, công khai tài chính luôn là vấn đề nhạy cảm mà nhiều thành viên quan tâm nhưng ít ai dám lên tiếng vì ngại đụng chạm. Họ bị rào cản tâm lý: “Đã từ thiện còn quan tâm đến chuyện tiền nong” hoặc vì tin vào cái “tâm sáng” của những người đứng ra thành lập hội nhóm từ thiện.

Gần đây, trên mạng xã hội Facebook đang rộ lên chuyện tố qua lại giữa các thành viên và những người tham gia từ thiện về một facebooker ở Nghệ An, là sáng lập viên của Nhóm từ thiện TT. Đó là việc thu chi khuất tất của người này cùng những cáo buộc chèn ép người được nhận từ thiện nhằm quản lý tất cả số tiền từ các nhà hảo tâm để lo cho đứa con bị bệnh nan y của mình được sống những ngày cuối đời viên mãn.

Hẳn chúng ta không còn lạ với những câu chuyện về Hào Anh, nhận tiền từ thiện rồi tiêu xài hoang phí, hắt hủi bố mẹ, hết tiền thì ăn cắp. Là câu chuyện về chú Tuấn sống cùng hai con gái trên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7 – TP. HCM), tiêu hết số tiền từ thiện thì lại trở về sống cảnh bần hàn hòng cầu mong lòng thương xót. Là người mẹ cõng đứa con trai 20 tuổi dặt dẹo đứng trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu xin tiền người đi đường mua chiếc xe lăn với câu nói “còn thiếu 200.000 nữa thôi là đủ mua xe”. Biết bao nhiêu lần người đi đường rút túi cho 200.000 đồng nhưng chiếc xe lăn thì vẫn bặt vô âm tín.

Còn nhiều lắm những câu chuyện như thế cho thấy nếu từ thiện không đúng cách không những không giúp được người nghèo, còn đẩy họ tới việc lười biếng chỉ biết trông chờ lòng thương hại của người khác; xấu hơn là ăn cắp, cướp giật để có tiền xài.

Ông bà ta đã dạy: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, đi cửa trước, ra cửa sau rồi tan biến hết. Tiếc rằng, chúng ta vì sự hào nhoáng của hai chữ “từ thiện” mà bỏ qua. Chúng ta từ thiện bằng cách đem cho ai đó một chút tiền, rồi mặc kệ cuộc đời họ với số tiền đó, miễn mình cảm thấy thoải mái là được. Đó là sự ích kỷ. Làm từ thiện là cả một quá trình thể hiện sự cứu rỗi, không phải chỉ đơn giản là hành vi đem tiền đi cho.

Cũng theo báo Thanh niên, nhìn nhận về việc làm từ thiện, thạc sĩ Huỳnh Minh Hiền, giảng viên khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Đối với một người rơi vào hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, thì cần tìm hiểu xem điều họ mong muốn nhất là gì. Chẳng hạn như trường hợp bé Lộc, các nhà hảo tâm nên hiểu rõ mong muốn, nhu cầu hiện tại của bé, sau đó mới đưa ra một kế hoạch hỗ trợ thích hợp. Nếu trẻ đang bị tổn thương về tâm lý, bị gia đình bỏ rơi suốt 2 năm, sống cô đơn thiếu thốn như vậy, thì vật chất không phải là thứ có thể bù đắp tổn thương về mặt tâm lý. Điều quan trọng là giúp Lộc được sống cùng với người thân, được giao tiếp xã hội”.

Thạc sĩ Hiền chia sẻ thêm: “Phải có người đồng hành cùng với mẹ con Lộc trong suốt một thời gian dài để chắc chắn rằng việc hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần có hiệu quả và bền vững trong tương lai. Nếu chỉ đưa cho họ một cục tiền, thì không cẩn thận họ sẽ trở thành nạn nhân của chính sự giúp đỡ đó...”.

Minh Anh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nên có tổ chức giám hộ giữ tiền giúp trẻ? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.