Đến tận bây giờ, những trò chơi ấy vẫn luôn nằm trong kí ức tuổi thơ của tớ đấy!
Ô ăn quan
Trò chơi ô ăn quan ở quê tớ còn gọi ngắn gọn là “ô làng”. Bà ngoại đã dạy tớ cách vẽ từng ô quan, nhặt từng viên đá, viên sỏi để “biến hóa” chúng thành quân cờ. Các trò chơi dân gian nếu chơi một mình sẽ không vui lắm, mà phải có từ hai, ba người trở lên. Ô ăn quan cũng tương tự vậy. Mỗi lúc bà bận làm việc, tớ lại chạy ra gốc đa đầu làng nhập hội cùng các bạn. Con trai chơi bắn bi, con gái chơi thẻ, ô ăn quan. Tiếng cười vang lên rộn rã.
Nghe bà tớ bảo, trò chơi ô ăn quan đã có từ rất lâu rồi. Hồi còn bé, bà đã biết chơi trò này. Đa số mọi người trong làng cũng đều biết, vì cứ người này truyền lại cho người kia. Tớ cảm thấy rất may mắn khi được bà luôn yêu thương, chăm sóc và dạy cho mình những trò chơi truyền thống.
Thả diều
Tớ còn nhớ, hồi học lớp Bốn, môn thủ công có một bài học về cách làm diều. Trong khi các bạn khác cứ lóng nga lóng ngóng với những thanh tre, giấy màu vì chưa biết cách làm, thì tớ đã làm thuần thục và cho “ra lò” một chiếc diều rất đẹp. Bí quyết là nhờ ông đã dạy cho tớ cách làm diều từ khi còn nhỏ. Cánh diều đầu tiên cũng do chính tay ông tự “thiết kế” cho tớ từ các thanh tre và giấy báo cũ. Dù nó không rực rỡ sắc màu nhưng lại có thể bay cao tít.
Bố tớ thấy hai ông cháu cặm cụi với cánh diều liền bảo: “Diều được thả lên bầu trời là tượng trưng cho niềm hy vọng và ước mơ. Con thử viết một điều ước của mình gửi theo cánh diều rồi cảm nhận xem có món quà đặc biệt nào đến với mình không. Sẽ rất thú vị đấy!”. Kết quả là sau buổi học hôm đó, cô giáo chấm sản phẩm thủ công và tớ đã “gặt hái” được điểm 10 đỏ chót. Cô giáo còn khen chiếc diều của tớ rất đẹp và có tính sáng tạo. Lúc về nhà, tớ khoe ngay với bố. Và niềm vui tiếp theo của tớ là được cùng bố đi thả diều trên con đê đầu làng vi vút gió.
Bắc cầu vồng
Từ lúc có em gái, tớ được mẹ dạy cho chơi trò bắc cầu vồng. Hai chị em ngày nào cũng chạy ra sân, vừa chơi, vừa hát thật to:
“Bắc cầu vồng nước trong, nước chảy
Có cô mười bảy, có chị mười ba
Hai chị em ta ra bắc cầu vồng”…
Vì em gái còn nhỏ, chưa biết được nhiều trò chơi nên tớ thường truyền lại cho em những “trò tủ” của mình như: ú tim, ô ăn quan, rồng rắn lên mây, dung dăng dung dẻ,… Mẹ tớ bảo, Việt Nam có cả một “kho tàng” trò chơi dân gian. Dù chưa thể biết hết, nhưng tớ và em gái đều rất tự hào vì đã được làm quen với nhiều trò chơi thú vị.
Lấp lánh những kỷ niệm…
Không chỉ ở nhà, mà lúc đến trường, tớ cũng hay chơi các trò chơi dân gian với các bạn. Có nhiều bạn chơi ô ăn quan, chơi thẻ rất cừ. Tớ thì hơi vụng về nên không ít lần bị trái banh rớt trúng đầu, hoặc sự cố rách ống quần vì nhảy dây phải dùng dây buộc túm lại hoặc chạy về nhà thay cái khác…
Tớ cũng rất thích chơi trò đuổi bắt. Mặc dù hay bị ngã và chân tay đầy những vết sẹo nhỏ, nhưng trò chơi này đã dạy cho tớ một bài học, đó là: mỗi khi bị vấp ngã phải biết tự mình đứng lên. Những vết sẹo tuy hơi xấu xí nhưng chúng có thể xem là một kỉ niệm “nhớ đời” và khiến tớ trở nên cứng rắn, mạnh mẽ hơn.
Ông bà hay khuyến khích chúng tớ ra ngoài chạy nhảy, vui chơi cho cơ thể khỏe mạnh và tinh thần thoải mái. Mỗi lúc rảnh rỗi, bố mẹ cũng thường “nhập hội” chơi trò ú tim, bịt mắt bắt dê với hai chị em tớ. Tình cảm của gia đình vì thế càng gắn bó, thương yêu.
Gia đình là chiếc nôi! Tuổi thơ luôn giữ lại những ký ức ngọt ngào và lấp lánh! Bởi vậy hãy cùng nhau nâng niu những ký ức ấm áp dưới mái nhà yêu dấu của mình! Và hãy giữ tuổi thơ thật đẹp để mai này, bất kể khi nào muốn quay trở về, bạn và tôi sẽ lại vui vẻ nhủ thầm: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ!”, bạn nhé!?
HOA LINH LAN
(Số 1, Hoàng Văn Thụ, Hà Đông, Hà Nội)