Những khó khăn của học sinh nội trú vùng cao

vuhien
Một năm học thật ngắn ngủi, nhưng đối với học sinh huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) thật dài, bởi, cuộc hành trình đi tìm con chữ của các em là những chuỗi ngày rét buốt, thiếu thốn,… Năm học này, thương con, nhưng không có tiền, nhiều phụ huynh chỉ còn cách mượn đất người dân, dựng tạm túp lều bằng lồ ô làm nơi trọ học cho các em.

Toàn huyện Tây Trà có gần 800 học sinh có nhu cầu bán trú, tuy nhiên số phòng bán trú chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu này. Số học sinh còn lại phải đi về trong ngày, những học sinh ở quá xa thì ở trọ, ở lều tạm vô cùng khó khăn. Năm học 2017 - 2018, chỉ tính riêng trường THPT Tây Trà có trên 600 học sinh, trong đó có gần 200 bạn phải trọ học ở nhà dân hoặc trong các túp lều tạm.

Cuộc sống đầy thiếu thốn, khó khăn nhưng em Hồ Thị Bé luôn chăm chỉ học hành.

Bố mất, mẹ “ngơ ngơ”

Ngồi trong túp lều cứ như ở ngoài trời, ánh nắng buổi chiều dễ dàng lọt qua vách lồ ô, soi rõ khuôn mặt buồn buồn của bạn Hồ Thị Bé (ở thôn Hà Riềng, xã Trà Phong, huyện Tây Trà) học sinh lớp 9 - trường THCS Trương Ngọc Khang.

Năm lớp 6, vì nhà cách điểm trường hơn 3 giờ đi bộ, buộc Bé phải cơm đùm gạo bới, ở lại trung tâm huyện Tây Trà trọ học .“Năm đó, túp lều trọ học bằng lồ ô của em nằm giữa cánh đồng ở trung tâm huyện Tây Trà. Cứ mỗi đêm mưa, gió lạnh, chúng em phải ôm chặt nhau ngủ, nhưng miệng cứ run cầm cập” – bạn Bé kể lại.

Khi đất ruộng trở nên khan hiếm ở vùng đồi núi Tây Trà, căn nhà tạm ở giữa đồng đành phải dời đi nơi khác để nhường đất cho cây lúa. Thương các bạn, nhưng không có tiền, cậu của bạn Bé và bố mẹ 3 chị em khác cùng ở thôn Hà Riềng phải mượn đất của người dân dựng tạm cái lều cho các bạn có nơi trọ học. Căn lều dựng chênh vênh bên con suối, mái lợp tôn, vách bằng lồ ô. Diện tích đủ kê một chiếc giường bằng lồ ô - là nơi sinh hoạt, học tập, ngủ nghỉ của bốn bạn.

“Túp lều tạm mới đỡ lạnh hơn ở giữa ruộng, nhưng nhiều đêm mưa to, gió lớn, chúng em phải ngồi co ro bên đống áo quần, sách vở đã ướt sũng để chờ trời sáng. Gia đình em là hộ nghèo, khó khăn lắm cậu em mới dựng cho căn lều tạm này để trọ học đã là may mắn lắm rồi, nên em không đòi hỏi gì thêm”- bạn Bé thật thà.

Khi hỏi bố mẹ bạn đâu? Bạn Bé lặng thinh, mắt nhìn xa xăm. “Bố nó chết, mẹ nó thì bị “ngơ ngơ”, còn người chị phải bỏ học năm lớp 7 vì có biểu hiện như mẹ nó. Mọi việc chỉ biết nhờ người cậu của nó thôi” – bạn Hồ Văn Hải (học sinh lớp 10 – THPT Tây Trà, cùng trọ học với bạn Bé) nói chen vào.

Hiếm khi được ăn thịt...

Bên cạnh sự khó khăn về chỗ ở, hàng trăm học sinh Tây Trà đang phải sống trong cảnh thiếu thốn đến tội nghiệp, đó là những bữa cơm rau triền miên, hoặc nhịn đói đến trường… “Bốn đứa em ngủ dậy là nhịn đói đi học luôn, không biết ăn sáng là gì. Những đứa nhà có điều kiện nhất cũng chỉ có gói mì tôm ăn trước khi đến trường” – bạn Hải lộ vẻ ái ngại.

Để có thể “cầm cự” cả tuần ở lại trung tâm huyện Tây Trà trọ học, cứ cuối tuần các bạn phải về nhà một lần để mang gạo và xin tiền mua thức ăn. Mỗi lần về nhà, cả 4 đứa đưa lên được 40 kg gạo, rồi góp lại nấu ăn chung. Nếu bố mẹ đứa nào cho tiền mua thức ăn thì mua thêm con cá, con tôm, chứ thịt thì hiếm khi được ăn. Những lúc bố mẹ không có tiền cho thì suốt tuần cả tuần các bạn chỉ ăn cơm với rau, hoặc ốc suối.

“Thương nhất là bạn Bé, lần nào về nhà cũng chỉ mang mỗi gạo lên, chứ không có tiền mua thức ăn. Có mấy lần cậu bạn ấy cho 20 đến 30 ngàn, nhưng chỉ đủ để mua mắm muối. Dù khó khăn nhưng bạn ấy học hành chăm chỉ lắm, không bao giờ đòi hỏi” – bạn Hải nói.

Câu chuyện về cuộc sống của những em học sinh Tây Trà khiến người nghe xót xa, thì ở vùng đồng bằng, đâu đó vẫn còn nhiều học sinh đang có cuộc sống may mắn gấp vạn lần các em học sinh vùng cao Tây Trà lại bỏ học, lêu lỏng, ăn chơi...

"Theo kế hoạch, năm học 2017 - 2018 huyện Tây Trà sẽ thành lập 3 trường phổ thông dân tộc bán trú. Nhưng vì vẫn chưa giải quyết được chỗ ở cho các bạn nên chưa thành lập được. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ xã hội hóa để giúp học sinh nghèo có nơi trọ học khang trang hơn, giảm bớt khó khăn cho các em càng sớm càng tốt” – ông Phạm Sơn - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà, trăn trở.

Theo Lao động

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những khó khăn của học sinh nội trú vùng cao tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.