Khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường ở nhiều địa phương, các gia đình có xu hướng tích trữ, mua nhiều thực phẩm hơn để hạn chế ra ngoài. Vậy làm thế nào để số thực phẩm ấy được tươi ngon và không bị hỏng? Dưới đây là một số mẹo hữu ích bạn có thể áp dụng để giữ thực phẩm tươi lâu hơn.
Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên
Tủ lạnh là nơi lưu trữ và bảo quản hầu hết các thực phẩm trong nhà vì vậy cần được vệ sinh thường xuyên. Thức ăn của bạn nhanh hỏng bởi các yếu tố như ánh sáng, không khí, nhiệt độ và thời gian. Các vi sinh vật như vi khuẩn, nấm mốc và nấm men cũng có thể không được kiểm soát ngay trong chiếc tủ lạnh của chúng ta.
Vì vậy hãy lau sạch bên trong tủ lạnh của bạn thường xuyên bằng giấm trắng hoặc nước xà phòng diệt khuẩn. Tránh xếp quá nhiều thực phẩm trên các ngăn tủ lạnh, để không khí có thể lưu thông. Đừng đánh gia quá cao vai trò của tủ lạnh trong việc bảo quản thực phẩm nếu ta không biết sử dụng đúng cách.
Rửa rau màu xanh lá cây trước khi cho vào tủ lạnh
Các loại rau lá xanh như rau cải xoăn và các loại rau diếp khác sẽ tươi lâu hơn nếu bạn rửa qua nước mát trước khi cho vào tủ lạnh. Loại bỏ những chiếc lá héo úa hoặc đổi màu. Để ráo nước rau xanh rồi quấn lỏng trong khăn giấy. Đậy kín chúng trong một túi nhựa hoặc đựng trong hộp.
Cà chua không nên để chung với dưa leo
Nguyên nhân là do ethylene- một loại khí từ một số loại trái cây và rau quả có tác dụng làm chín nhanh. Hãy bảo quản thực phẩm phát ra ethylene cách xa những thực phẩm nhạy cảm với nó.
Thực phẩm phát ra ethylene: Dưa lưới, bơ, lê, cà chua, tiêu, chuối...
Thực phẩm nhạy cảm với ethylene: Xoài, măng tây, đào, hành củ, cà tím, nho, dưa leo...
Nên bảo quản chuối trong tủ lạnh
Những loại trái cây nhiệt đới như chuối không nên bảo quản trong nhiệt độ phòng, nhất là nơi nhiều ánh nắng. Không khí ẩm, ấm sẽ làm tăng tốc độ hóa nâu.
Hãy để chuối riêng một khu vực. Khi chuối đã chín hãy bảo quản chúng trong tủ lạnh để kéo dài thời hạn sử dụng thêm vài ngày. Vỏ chuối có thể có đốm nhưng bên trong vẫn ngon.
Đông lạnh gừng
Trong ngăn mát tủ lạnh, gừng có thể dùng trong vài tuần. Để giữ nó lâu hơn, hãy để gừng vào tủ đông. Bạn có thể rửa sạch, cắt lát gừng (không cần gọt vỏ), bọc chặt bằng giấy bạc hoặc túi đông lạnh để ngăn không khí. Như vậy, bạn sẽ dùng được chúng trong ít nhất 3 tháng.
Bọc cần tây trong giấy bạc
Giống như hầu hết các loại rau, cần tây chứa nhiều nước và nhạy cảm với ethylene. Để giữ cần tây không mềm nhũn, bạn hãy bọc chặt chúng trong giấy bạc và cất vào ngăn kéo tủ lạnh. Một cách khác là bạn có thể bọc cần tây trong một chiếc khăn giấy khô và đựng trong một ống nhựa. Cần tây sẽ để được vài tuần.
Gói chanh trước khi cho vào tủ lạnh
Bạn có thể giữ chanh tươi rói trong tối đa một tháng bằng cách gói chặt chúng trong túi nhựa bảo quản cho hết không khí và để vào tủ lạnh.
Bảo quản các loại rau thơm theo chiều dọc
Xử lý rau mùi, cần tây và bạc hà như cắt hoa, đặt chúng vào lọ với nước và sau đó cho vào tủ lạnh. Hoặc đặt các loại thảo mộc tươi, khô vào túi nhựa và thổi vào nó như một quả bóng bay.
Carbon dioxide từ hơi thở của bạn là một chất bảo quản thực phẩm được biết đến và có thể giúp giữ cho rau xanh tươi ngon.