Những phong tục đón Giáng sinh "có một không hai" trên thế giới

Vũ Hồng Loan
Giáng sinh đang đến rất gần với tất cả mọi người và tại mỗi quốc gia, khu vực lại có cách đón Giáng sinh độc đáo theo nét văn hóa truyền thống riêng của mình.

Phần Lan: Tắm hơi trước khi ông già Noel ghé thăm

Được biết đến như là nơi xuất xứ của ông già Noel, Phần Lan sở hữu cả một ngôi làng ông già Noel nổi tiếng ở Rovaniemi, nằm ngay vành đai Bắc Cực. Mọi hoạt động trong làng rất sôi động mỗi dịp Giáng sinh và năm mới đến.

Người dân đất nước này chuẩn bị đón Noel cả tháng trước đó để chắc rằng mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Vào ngày Noel, hầu hết mọi người đều đến Nhà thờ, sau đó đi thăm mộ những người thân trong gia đình để tưởng nhớ những người đã khuất.

Và đặc biệt, người dân Phần Lan có tục lệ đi tắm hơi trước khi ông già Noel ghé thăm rồi cùng các thành viên trong gia đình quây quần bên bữa tối. "Joulupukki" - ông già Noel Phần Lan, luôn ghé thăm mọi nhà bằng cửa chính và ông luôn hỏi các bé có ngoan không trước khi tặng quà.

Món ăn Giáng sinh truyền thống của Phần Lan gồm có thịt heo bỏ lò, khoai tây nghiền, cá hồi, cháo đặc và gà tây. 

Na Uy: Bằng mọi cách phải giấu sạch chổi

Cũng giống như nhiều quốc gia Châu Âu khác, Giáng sinh là một trong những ngày lễ lớn trong năm của người Na Uy.

Vào đêm Giáng sinh, người dân Na Uy sẽ tổ chức ăn uống tại nhà. Sau bữa ăn tối, cả gia đình sẽ quây quần bên lò sưởi, trò chuyện, ca hát. Và tất nhiên, không thể thiếu nến. Những cây nến to nhỏ đủ kích cỡ, hình dáng khác nhau, đặt trên những chiếc đĩa, chiếc ly đơn giản cho đến những cái giá nến, đồ đựng nến cầu kỳ các kiểu. Những loại nến tỏa mùi thơm của táo, bạc hà, dâu tây hay hoa hồng làm cho không gian thêm ngọt ngào.

Phong tục này bắt nguồn từ hình ảnh mụ phù thuỷ cưỡi chổi bay trên không trung và đi làm những điều xấu. Trong khi đó, người Na Uy quan niệm rằng, đêm Giáng sinh trùng với sự xuất hiện của linh hồn ma quỷ và phù thuỷ. Do đó, vào ngày này, những người phụ nữ trong gia đình sẽ giấu hết chổi trong nhà đi.

Mục đích là để những phù thuỷ sẽ không tìm thấy chổi và sử dụng được. Như thế sẽ tránh được những điềm xấu. Sẽ chẳng có điều gì tồi tệ hơn việc phù thuỷ, ma quỷ tìm thấy một cây chổi trong nhà bạn, sử dụng nó để cưỡi đúng không?

Và trong khi những người phụ nữ trong gia đình làm nhiệm vụ giấu chổi thì những người đàn ông sẽ ra cửa và bắn súng để doạ và xua đuổi các hồn ma.

Một phong tục khác cũng không thể không nhắc đến đó là, vào đêm Noel, người dân Na Uy sẽ đặt một tô cháo mạch trong nhà để thờ thần bảo vệ nông trại, cầu mong một năm mới ấm no.

Nhật Bản: Tặng thiệp màu trắng và ăn KFC vào dịp Giáng sinh

Giáng sinh tuy không phải là một lễ hội truyền thống của người dân Nhật Bản nhưng nó vẫn được nhiều người mong đợi. Điều đặc biệt ở những tấm thiệp Giáng sinh mà người Nhật gửi tặng nhau đó là màu sắc của những tấm thiệp. Thay vì tặng nhau những tấm thiệp màu đỏ như nhiều nước khác, người Nhật sẽ tặng nhau những tấm thiệp trắng như màu tuyết với ý nghĩa tượng trưng cho sự trong sạch. Sở dĩ người Nhật không sử dụng màu đỏ cho những tấm thiệp vì người ta quan niệm rằng, chỉ những tờ cáo phó mới mang màu sắc đó.

Món ăn phổ biến trong ngày lễ Giáng sinh ở nhiều nước trên thế giới là thịt gà, Nhật Bản cũng vậy. Tuy nhiên, đó không phải là thịt gà tây mà là gà rán KFC. Vào ngày Giáng sinh, các cửa hàng KFC ở Nhật thường rất đông khách, nhiều người thậm chí còn phải đặt chỗ trước nếu không muốn đến rồi lại phải về không. Theo đó, vì ở Nhật Bản không nuôi được gà tây, đồng thời không phải ai cũng biết cách chế biến gà tây đúng điệu, do đó, nhiều người đã chọn giải pháp là ăn gà rán KFC.

Phong trào ăn gà rán KFC trong lễ Giáng sinh tại Nhật Bản được bắt đầu từ khoảng những năm 1970. Nắm bắt được điều này, năm 1974 KFC đã tung ra một chiến dịch quảng cáo lớn có tên "Kurisumasu ni wa kentakkii!" (Kentucky for Christmas!) và được người dân Nhật Bản hưởng ứng.

Pháp: Tặng trẻ con tấm lịch đặc biệt chứa chocolate

Theo truyền thống, vào cuối tháng 11, các bà mẹ Pháp sẽ mua cho con mình một tấm lịch "Calendrier de I’Vvent". Bên trong tấm lịch đặc biệt này là những viên kẹo chocolate vuông, mỗi viên kẹo ứng với một cửa sổ, có đánh số ngày, từ mùng 1 đến 24, sắp xếp lộn xộn. 

Mỗi sáng, trẻ em phải tìm được số ngày ghi trên lịch và mở cửa sổ rồi nhận một viên kẹo socola thưởng. Điều đặc biệt này chỉ dành cho tháng Noel.

Cùng với đó, trẻ em Pháp sẽ để những đôi giày của mình gần đống lửa vào đêm trước Giáng sinh để nhận quà từ ông già Noel. Trong khi đó, những trẻ lớn hơn sẽ đi với người lớn tới nhà thờ lúc nửa đêm rồi mới quay về nhà dùng bữa ăn nhẹ gọi là "LeRe’veillon".

Anh: Viết thư cho ông già Noel rồi ném vào lò sưởi

Mỗi mùa Giáng sinh tới, trẻ em Anh thường viết những lá thư cho ông già Noel nói lên mong ước của mình rồi ném vào lò sưởi. Trẻ em tin rằng những lá thư này sẽ bay qua ống khói đến Bắc cực, nơi ở của ông già Noel.

Tại Anh, Giáng sinh diễn ra trong 3 ngày: Christmas Eve (24/12), Christmas Day (25/12) và Boxing Day (26/12). Trong đó, người ta không ăn lễ nửa đêm ngày 24 mà vào chiều 25/12. Ðêm 24/12, họ đi dự lễ, khi về là ngủ ngay.

Vào đêm Noel, những chiếc bánh pudding là món ăn không thể thiếu. Trong quy trình làm bánh, người dân Anh có truyền thống là ước một điều khi trộn các nguyên liệu với nhau theo chiều kim đồng hồ. Người ta cho rằng đó là con đường duy nhất để điều ước trở thành sự thật. Và bánh Pudding của người Anh thường có những điều đặc biệt ẩn giấu trong nhân bánh: Hạt đậu, đồng xu… Người nào nhận được phần bánh có nhân đặc biệt sẽ được may mắn cho cả năm.

Italy: Bà già Noel mới là người tặng quà cho trẻ em

Theo tục lệ truyền thống của Italy, vào đêm sau ngày lễ Noel, không phải ông già Noel mà là bà già Noel tên là Strega Buffana sẽ đến thăm trẻ em. Truyền thuyết kể rằng bà Noel bay quanh nước Italia trên một cây chổi và tặng đồ chơi, kẹo, trái cây cho những trẻ em ngoan, đồng thời cũng phạt những trẻ em không ngoan.

Bữa tối 24/12 của người Italy thường là một mâm tiệc thịnh soạn bao gồm một món ăn với cá chình nướng, đĩa rau truyền thống gọi là cardoni, bánh pastry với kem pho mát. Những ngọn nến được thắp sáng lung linh, trẻ em sẽ đứng lên kể những câu chuyện về ngày lễ và sự ra đời của "em bé thần thánh".

Australia: Kangaroo sẽ kéo xe trượt tuyết của ông già Noel

Tại xứ sở của những chú chuột túi Australia, thay vì những chú tuần lộc như ở Bắc Âu, xe trượt tuyết của ông già Noel thường được kéo bởi tám con Kangaroo trắng. Một trong những sự kiện nổi bật không thể thiếu trong những ngày này là "Đêm đốt nến hát Thánh Ca mùa Giáng sinh" (Carols By Candlelight).

Sự kiện này bắt nguồn từ thành phố Melbourne vào năm 1937 và được duy trì cho đến ngày nay. Hàng ngàn người tụ tập cùng hát vang những bài Thánh Ca với ngọn nến trong tay, truyền đi thông điệp "hòa bình trên khắp trái đất và niềm vui đến mọi nhà".

Ngày Giáng sinh ở Australia còn là ngày truyền thống của việc tặng quà và các sự kiện thể thao diễn ra như thi bóng chày và đua thuyền buồm.

Thuỵ Điển: Nhất định phải xem hoạt hình

Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Giáng sinh cũng là dịp để người dân Thuỵ Điển quây quần, tụ họp bên nhau. Tuy nhiên, thay vì quây quần bên nhau hát hò, nhảy múa, mọi người lại tụ họp cùng nhau để xem phim hoạt hình.

Thông thường cứ vào khoảng 3h chiều ngày Giáng sinh, các gia đình Thuỵ Điển sẽ ngồi quây quần bên chiếc tivi để xem chương trình chiếu phim hoạt hình về chú vịt Donald nổi tiếng cùng các nhân vật hoạt hình khác. Chương trình đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Thuỵ Điển mỗi dịp Giáng sinh về.

Người ta xem đi xem lại chương trình này mà không hề thấy chán và đặc biệt vẫn luôn mong ngóng chờ đợi nó vào mỗi chiều 24/12. Sự ngóng đợi này đến mức, nếu năm nào Đài Truyền hình chuyển giờ hoặc huỷ chiếu thì sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân.

Loan Vũ

(Tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những phong tục đón Giáng sinh "có một không hai" trên thế giới tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.