Những sáng chế hữu ích, sáng tạo của học sinh “trường làng”

Vũ Hiền (tổng hợp)
Xuất phát từ thực tế khó khăn của người dân, cùng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nhiều ý tưởng sáng chế của các bạn học sinh như: chế tạo Robot cứu hỏa, máy thu hạt nông sản, Robot phát thuốc đã thành công.

Học sinh chế tạo Robot cứu hỏa

Sản phẩm thú vị này là của Phạm Hồng Thái và Võ Đặng Văn Thành, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Quốc Tuấn, TP Quảng Ngãi.

Robot cứu hỏa của hai nam sinh được làm hoàn toàn bằng thép dày 5 mm, các vị trí quan trọng bên trong đều được lắp vật liệu cách nhiệt amiăng với khả năng chịu được nhiệt độ lên đến 3000C. Di chuyển bằng bánh xích, robot có thể vượt nhiều địa hình phức tạp, chướng ngại vật trong đám cháy. Sử dụng sóng RF, tần số 2,4 GHz, robot này được điều khiển từ khoảng cách xa 500 m, giúp chữa cháy trong phạm vi rộng.

Ngoài hệ thống cảm biến nhiệt, mạch điều khiển điện tử phức tạp, robot được gắn hai xilanh. Khi "tác chiến", một xi-lanh giữa thân robot sẽ nâng, hạ vòi phun, thay đổi vị trí phun. Xi-lanh còn lại phía sau robot giúp leo trèo trên địa hình khó, và hỗ trợ nâng, hạ góc phun khi dập lửa ở cự ly gần. Đặc biệt, robot có camera truyền hình ảnh về giúp con người nắm được môi trường hoạt động của robot, từ đó có thể đưa ra phương án điều khiển tốt nhất.

Dù đạt được thành công bước đầu nhưng hai bạn học sinh THPT này vẫn còn nhiều ý tưởng tối ưu hóa hoạt động của robot cứu hỏa, chế tạo robot với kích thước lớn hơn, phát triển thêm nhiều mẫu mã để tạo thành 1 đội robot chữa cháy có thể ứng dụng trong cuộc sống.

Sáng chế Robot phát thuốc

Hải và Lam tại gian hàng trưng bày sáng chế ở triển lãm ITEX

Đó là ý tưởng sáng chế của hai bạn Tống Duy Hải và Trần Phương Lam (học sinh lớp 11A3, trường THPT Yên Hòa, Hà Nội)

Hải và Lam có ý tưởng sáng tạo robot vào tháng 5/2018, sau khi bày tỏ mong muốn tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật với thầy cô. Ban đầu, các bạn được gợi ý chủ đề rộng như tạo ra sản phẩm giúp giải quyết lũ lụt, chăm sóc sức khỏe hoặc an toàn thực phẩm. Cuối cùng hai bạn quyết định chọn lĩnh vực y tế.

Nhận thấy Việt Nam chỉ có khoảng 1,3 y tá trên một nghìn dân, công việc của y tá lại nặng nề, áp lực trong khi Việt Nam chưa có một dự án nào để giải quyết vấn đề này, hai bạn quyết định tìm giải pháp. "Ngay từ đầu, chúng mình không nghĩ tới những gì lớn lao mà chỉ nghĩ thiết kế một thiết bị đơn giản, có thể hỗ trợ y tá một phần nhỏ công việc hàng ngày như cấp phát thuốc tới bệnh nhân. Việc này tưởng chừng nhỏ nhưng đòi hỏi thời gian và độ chính xác cao", Hải chia sẻ.

Dưới sự hỗ trợ của một thầy giáo ở Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Lan và Hải đã sáng tạo ra mô hình robot đơn giản để dự thi cấp cụm (gồm hai quận) rồi thi thành phố. Sau đó, các bạn có một số cải tiến để dự thi cấp quốc gia và đạt giải nhì.

Học sinh miền núi sáng chế thành công máy thu hạt nông sản

Sản phẩm máy thu hạt nông sản của hai bạn Nguyễn Hữu Thực và Trần Hoàng Nguyên

Xuất phát từ nhu cầu của gia đình và bà con hàng xóm, hai bạn Nguyễn Hữu Thực và Trần Hoàng Nguyên, học sinh lớp 11C4, trường Trung học phổ thông Trường Chinh (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đã tìm hiểu, sáng chế thành công mô hình “Máy điều khiển tự động thu gom nông sản trên sân phơi” với nhiều tính năng hữu ích cho nhà nông.

Mô hình của 2 bạn đã đoạt giải ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận năm 2018. Sau đó, hai bạn tiếp tục nâng cấp các thông số kỹ thuật để máy hoàn thiện hơn.

Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Nam tổ chức tháng Ba, sản phẩm của hai bạn đã đoạt giải nhất trong nhóm các lĩnh vực trao giải.

Học sinh lớp 11 sáng tạo bộ trò chơi bảo vệ trẻ em

Bùi Phương Vy và Bùi Quốc Khánh (học sinh lớp 11 Trường THPT Lưu Hữu Phước, TP Cần Thơ) cùng nhau thực hiện đề tài "Rèn luyện kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ từ 3 - 10 tuổi thông qua bộ trò chơi Children’s safety 2.0".

Đầu tiên hai bạn Phương Vy và Quốc Khánh khảo sát 132 bạn nhỏ từ 3 đến 10 tuổi về kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp các bạn nhỏ. Thực trạng cho thấy đa số các bạn nhỏ bị thiếu hụt kỹ năng này, hầu như không biết làm gì nếu gặp phải các hành động bị lạm dụng.

Vì vậy, cả hai quyết định thiết kế bộ trò chơi vừa để các bạn nhỏ thư giãn, vừa giúp các bạn hình thành kỹ năng tự bảo vệ trước những hành vi sai trái của người khác, cũng như giúp các bạn tự tin hình thành kỹ năng sống tốt hơn.

Thông điệp được truyền tải qua 5 hình thức gồm: thẻ bài tri thức, bộ ghép hình thông minh, quyển sách tuyệt vời, sách tô màu và ứng dụng trò chơi trên điện thoại thông minh. Vy và Khánh đã khéo léo đưa vào trò chơi rất nhiều thông tin như: nhận biết những bộ phận cơ thể, giáo dục trẻ không cho ai chạm vào những vùng riêng tư, nhạy cảm trên cơ thể nếu không được cha mẹ hoặc trẻ đồng ý hoặc phải cảnh giác khi người lạ cho quà cũng như hiểu biết được sức mạnh của những lời tâm sự với cha mẹ…

Nhóm đánh giá hiệu quả của bộ Children’s safety 2.0 trên 45 máy tính và smartphone của phụ huynh có con độ tuổi 3 đến 10 để cho các bạn nhỏ chơi. Sau một tuần dùng thử, có đến 70% phụ huynh đánh giá sản phẩm đạt hiệu quả rất tốt.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những sáng chế hữu ích, sáng tạo của học sinh “trường làng” tại chuyên mục Học đường của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Học đường khác

Việc làm tốt của Nhật Phương

Trong lớp 4A, trường Tiểu học Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai, Hà Nội), cô bạn Bùi Nhật Phương nổi bật với vẻ ngoài xinh xắn, giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện.