Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng với những cách làm hay, mang lại hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Các dự án, chương trình giảm nghèo hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn đã góp phần làm chuyển biến nhanh về kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện, nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Phú Thọ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5%/năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề đạt 72%
Để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả, tháng 2/2022, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các ngành, cơ quan chuyên môn tập trung phối hợp với các huyện, thành, thị triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác giảm nghèo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững vào các địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, trẻ em, phụ nữ, người lao động thuộc hộ nghèo.
Bên cạnh quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững theo quy định của Trung ương, căn cứ tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn, tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác giảm nghèo.
Xác định hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh, bền vững, các cấp, các ngành, địa phương đã hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất cho khoảng 90% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện miền núi, xã ĐBKK có nhu cầu. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội đã tích cực vào cuộc, giải ngân các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... tạo động lực, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, có việc làm, dần tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù về giảm nghèo đã tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng theo quy định, sát thực, phù hợp và hiệu quả, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên của các hộ nghèo, tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết: “Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã và đang tạo điều kiện để người dân các vùng khó khăn tiếp cận với các dịch vụ cơ bản, giúp các địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Chương trình đã huy động được sự tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng và các tổ chức, tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với đơn vị liên quan, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, nâng cao đời sống người dân”.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện thành công Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.