Quyền trẻ em, nhiều người chưa nắm rõ

Phan Thoa
Dư luận bàng hoàng, bức xúc về những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra. Người ta thương xót, đau lòng khi những đứa trẻ vô tội chịu những trận đòn roi, tổn thương tinh thần vì những cơn thịnh nộ của người lớn.

Vụ bạo hành  trẻ em ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) chưa nguôi ngoai, lại thêm trường hợp người thân trong gia đình giết hại bé gái mới 20 ngày tuổi ở tỉnh Thanh Hóa, bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi bị bảo mẫu quăng quật đánh đập, rồi việc bé gái 7 tuổi ở Kiên Giang bị cha dí sắt nóng vào mặt gây bỏng nặng... Chỉ trong vòng mấy ngày thôi, có tới 4 vụ bạo hành trẻ em rúng động dư luận. 

Dư luận bàng hoàng, bức xúc về những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra. Người ta thương xót, đau lòng khi những đứa trẻ vô tội chịu những trận đòn roi, tổn thương tinh thần vì những cơn thịnh nộ của người lớn.

Theo báo SGGPO, thống kê do UNICEF công bố phản ánh, mỗi năm trên thế giới có khoảng 275 triệu trẻ em từ 18 tuổi trở xuống là nạn nhân của những hành vi bạo hành, ngược đãi, lạm dụng trong chính gia đình các em đang sống, tại trường học, trên đường phố, nơi làm việc hoặc tại cộng đồng…

Điều đau lòng và khó ngờ, nơi các em bị bạo hành nhiều nhất thường trong chính gia đình. Theo lẽ thông thường, gia đình là nơi đứa trẻ sẽ có được sự che chở, bảo vệ trước những hiểm nguy của đời sống xã hội. Đồng thời, gia đình cũng chính là nơi đứa trẻ nhận được sự yêu thương, dạy dỗ và uốn nắn để có thể phát triển tròn đầy về thể chất cũng như tinh thần. Tuy nhiên, thực tế và cũng như những nghiên cứu cho thấy, gia đình cũng là nơi đứa trẻ dễ gặp hiểm nguy nhất. Vì sao như vậy?

Trước hết, trong xã hội hiện đại ngày nay, lối sống ẩn danh ngày càng phát triển do sự gia tăng của tính cá nhân trong đời sống xã hội. Do đó, chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau” mang nặng tính cộng đồng như ngày xưa ngày càng mai một và bị thay thế bởi lối sống “đèn nhà ai nấy sáng”. Và vì vậy, những chuyện diễn ra trong nội bộ gia đình rất ít bị sự giám sát của cộng đồng nên chuyện trẻ em bị bạo hành cũng từ đó dễ gia tăng hơn.

Để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em, trước hết cần phải chú ý đến thiết chế gia đình. Chẳng hạn, phải tuyên truyền cho cha mẹ nhận thức được “quyền của trẻ em”.  Bởi lâu nay, trẻ em bị người thân bạo hành thường có suy nghĩ “vì là con cháu của họ, nên họ có quyền làm chuyện đó”. Kế đến, cần giúp phụ huynh loại bỏ lối suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, bởi khoảng cách từ “thương” (kiểu đó) đến hành vi bạo hành là rất ngắn. Thứ ba, thiết kế các nhóm sinh hoạt cộng đồng để giám sát và nhận biết dấu hiện bạo hành nơi các gia đình, để từ đó có những biện pháp can thiệp hữu hiệu hơn.

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, bà Ninh Thị Hồng -  Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho hay,  thực sự, tôi rất buồn và phẫn nỗ trước những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em gần đây. Tuy đã có nhiều thay đổi và cố gắng, song chúng ta chưa đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ.

Ngày 1/6, Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực, thêm nhiều chế tài, quy định bảo vệ chặt chẽ trẻ em hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều am hiểu, nắm rõ luật.

Theo báo Thể thao Văn hóa, Luật trẻ em 2016 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Luật gồm 7 chương với 106 điều.
 
Luật trẻ em 2016 quy định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi. Luật quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
 
- Tước đoạt quyền sống của trẻ em.
 
- Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
 
- Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.
 
- Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
 
- Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
 
- Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.
 
- Không cung cấp hoặc che dấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
 
- Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.
 
- Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
 
- Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồi chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
 
- Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
 
- Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.
 
- Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị cho trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm,…
 
Luật trẻ em quy định quyền của trẻ em như quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn…
 
Duy Minh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Quyền trẻ em, nhiều người chưa nắm rõ tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.