Kết quả tổ chức thi THPT Quốc gia theo lộ trình từ năm 2015 đến nay đã tạo tiền đề cơ bản cho đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau năm 2020. Mục đích và yêu cầu của phương án sau 2020 là Tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy; đánh giá được kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau năm 2020 như sau: Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm GDTX cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, Nếu có nhu cầu lấy Bằng tốt nghiệp THPT sẽ tham gia kỳ thi THPT Quốc gia.
Thi THPT quốc gia trên máy tính được tổ chức nhiều đợt trong năm
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Kỳ thi vẫn tổ chức thi trên giấy như hiện nay đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Thí sinh chọn hình thức thi trên máy tính thì có thể tham dự một số đợt thi trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả thi của đợt nào cao hơn sẽ được chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở GD Đại học, GD Nghề nghiệp tham khảo, sử dụng tuyển sinh.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết: Thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Ở giai đoạn 2021-2025, kỳ thi không xáo trộn lớn so với năm 2019 nhưng sẽ điều chỉnh phù hợp với thực tế. Kỳ thi vẫn tổ chức thi trên giấy như hiện nay nhưng đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Mỗi bài thi tổ hợp chỉ cho ra một đầu điểm duy nhất
Các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ giữ ổn định như năm 2019. Các bài thi tổ hợp tự chọn (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội) sẽ cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình. Chủ yếu là đánh giá kiến thức, kĩ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực, giảm số câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp.
Mặt khác, các bài thi tổ hợp sẽ được giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, từng bước hoàn thiện bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi tổ hợp khi chấm chỉ cho ra một đầu điểm duy nhất, không còn bốn đầu điểm như hiện nay (ba đầu điểm môn thành phần và một đầu điểm của cả bài thi).
Đối với giai đoạn tiếp theo, sau năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Phương thức thi trên máy tính sẽ được Bộ công bố trước 1 năm (phương thức tổ chức, nội dung thi, hình thức thi....) để phụ huynh và học sinh chủ động ôn tập, chuẩn bị tham gia kỳ thi.