Sông là gì? Hồ là gì? Sông và hồ khác nhau như thế nào?

Minh Hồng
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sông, hồ cũng như những đặc điểm khác nhau giữa sông và hồ.

Sông và hồ rất quen thuộc và quan trọng với cuộc sống của chúng ta. Hiểu nôm na thì sông và hồ là nơi chứa nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của con người cũng như là môi trường sống của các loài thuỷ sinh.

Vì sự tương đồng này mà rất nhiều bạn dễ nhầm lẫn, không phân biệt được sông và hồ. Bài viết dưới đây Thieunien.vn sẽ chia sẻ tới bạn khái niệm về sông và hồ cũng như điểm khác biệt giữa chúng.

1. Sông là gì?

Theo khái niệm trên Wikipedia, sông là dòng chảy đều đặn, tương đối ổn định trên bề mặt lục địa. Nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sông là từ nước mưa, nước nguồn từ núi cao, nước băng tan hoặc các sông suối nhỏ hơn.

Hầu hết các dòng sông để đổ ra biển lớn và ranh giới giữa sông và biển gọi là cửa sống. Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số trường hợp ngoại lệ như sông có thể chảy ngầm dưới đất do cấu tạo địa hình và ảnh hưởng của thời tiết hoặc khô hoàn toàn trước khi đến vùng nước khác.

Ngoài tên gọi sông, nhiều nơi gọi là suối, kênh rạch, sông nhánh tùy theo kích thước của nó nhưng tên gọi chính xác về mặt khoa học vẫn là sông.

Sông ngòi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình lưu thông của hệ thống nước, là lưu vực thu nước, trung gian chuyển nước ra đại dương.

Sông là gì? Hồ là gì? Sông và hồ khác nhau như thế nào? - Ảnh 1
Sông Son là một chi lưu của sông Gianh ở Bắc Trung Bộ Việt Nam.

2. Phân loại sông như thế nào?

Có 2 cách để phân loại sông là phân loại theo bậc và phân loại theo địa hình.

Phân loại theo địa hình:

- Sông trẻ: là sông có độ dốc lớn, ít phụ lưu, nước chảy xiết. Các lòng dẫn của sông xâm nhập sâu và phát triển mạnh hơn sự xói mòn theo chiều ngang. Ví dụ như sông Brazos, Trinity và Ebro.

- Sông trưởng thành: là sông có độ dốc nhỏ hơn sông trẻ và chảy chậm hơn. Sông trưởng thành có nhiều phụ lưu đổ về và có lưu lượng lớn hơn sông trẻ. Xâm nhập ngang lớn hơn xâm nhập sâu như sông Mississippi, Saint Lawrence, Danube, Ohio, Thames và Paraná.

- Sông già: là sông có độ dốc thấp, năng lượng xói mòn nhỏ. Các sông cũ được đặc trưng bởi các bãi bồi như sông Hoàng Hà, sông Hằng, sông Tigris, sông Euphrates, sông An và sông Nile.

- Sông tái sinh: sông có độ dốc do lực nâng kiến tạo của các tầng địa chất.

Phân loại theo bậc

Các sông ở đầu nguồn được đánh số 1. Hai sông cấp 1 nhập lại tạo thành một dòng sông cấp 2. Một sông cấp 1 hợp với sông cấp 2 thì chỉ tạo thành sông cấp 2; nhưng hai sông cấp 2 nhập lại thành một sông cấp ba. Nghĩa là, hai sông phải có cùng cấp thì hợp lại được thành sông có cấp cao hơn một đơn vị. Cứ như vậy đánh số cho đến cửa sông.

3. Hồ là gì?

Hồ là những khoảng nước rộng và tương đối sâu trong đất liền. Hồ thường không có diện tích nhất định. Có những hồ rất lớn, diện tích hàng chục nghìn km vuông như hồ Victoria ở châu Phi, hồ A-ran ở châu Á, nhưng cũng có những hồ nhỏ chỉ vài trăm mét vuông đến vài km vuông như hồ Tây, hồ Hoàn Hồ Gươm ở Việt Nam.

Tác dụng của hồ là điều hoà dòng chảy của sông, từ đó hạn chế tình trạng lũ lụt. Ngoài ra, đây cũng là nơi dự trữ một lượng lớn nước ngọt phong phú hỗ trợ cho việc phát triển thuỷ điện.

Với những hồ tự nhiên đều có phong cảnh đẹp sẽ được con người khai thác thành những khu du lịch sinh thái, góp phần phát triển du lịch của địa phương.  

Sông là gì? Hồ là gì? Sông và hồ khác nhau như thế nào? - Ảnh 1
Hồ Ba Bể là khu du lịch nổi tiếng ở nước ta

4. Cách phân loại hồ

Tương tự, hồ được phân loại theo 2 dạng: nguồn gốc hình thành và tính chất của nước.

Phân loại hồ theo nguồn gốc hình thành

- Hồ móng ngựa: được hình thành do khúc sông uốn khúc, theo thời gian, khúc sông cũ trên dòng chảy mất đi tạo đường đi cho sông mới, vết tích dòng sông cũ để lại. 

- Hồ nhân tạo: được hình thành bởi con người.

- Hồ băng: được hình thành do băng hà di chuyển, qua quá trình xói mòn mặt đất, đào sâu lớp đất đá mềm, để lại những vũng nước lớn. 

- Hồ miệng núi lửa: được hình thành trên miệng núi lửa và nước đọng lại.

- Hồ kiến tạo: được hình thành trong quá trình sụt lún đất do động đất và các mảng kiến tạo chuyển động. 

Trên sa mạc, gió tạo thành cồn cát cao, chân cồn cát tạo thành vùng thấp, nước tụ thành hồ, các hồ này rất nông.

Phân loại hồ theo tính chất nước

- Hồ nước ngọt: đây là loại hồ có nhiều nhất trên lục địa. Hồ được hình thành do có dòng nước ngọt chảy qua hoặc do mưa. 

- Hồ nước mặn: Hồ nước mặn chỉ chiếm thiểu số. Hồ được hình thành do di tích của đại dương bị cô lập giữa lục địa hoặc trước đây là hồ nước ngọt nhưng do khí hậu khô hạn nên nước hồ cạn dần và tỷ lệ muối khoáng trong hồ tăng lên.

Sông là gì? Hồ là gì? Sông và hồ khác nhau như thế nào? - Ảnh 1

5. Sự khác biệt giữa sông và hồ

- Về khái niệm:

Sông: Là dòng chảy tương đối thường xuyên trên bề mặt lục địa.

Hồ: Là 1 lượng nước lớn đọng trên bề mặt lục địa.

- Về cấu tạo:

Sông: Gồm nhiều bộ phận như lưu vực, hạ lưu, phụ lưu…tạo thành hệ thống sông.

Hồ: Cấu tạo đơn giản hơn sông.

Về diện tích:

- Sông có lưu vực xác định

- Hồ thường không có diện tích nhất định.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Sông là gì? Hồ là gì? Sông và hồ khác nhau như thế nào? tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Trái Đất nặng tới mức nào?

Giới chuyên gia mất hàng trăm năm để ước tính khối lượng Trái Đất và cho tới nay vẫn chưa thống nhất về con số chính xác.