Tại sao Đông Á luôn dẫn đầu thế giới về Toán và Khoa học?

Nguyễn Hà
Theo các kết quả về Toán học và Khoa học quốc tế (TIMSS) và chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA, các nước Đông Á luôn đứng đầu. Vậy lý do nào khiến khu vực này có nền giáo dục phát triển đến vậy?

Trong những năm gần đây, vị trí đầu bảng xếp hạng thế giới về các lĩnh vực khoa học và Toán học luôn có thay đổi, nhưng không ngoài những quốc gia quen thuộc như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Khoảng cách giữa các nước Đông Á này ngày càng bỏ xa với thế giới. Sau đây là những lý do tại sao khu vực này lại có nền giáo dục phát triền đến vậy.

1. Văn hóa và tư duy

Học sinh tiểu học cầm bàn tính truyền thống Nhật Bản trong cuộc thi bàn tính bằng tiếng Anh, ở Tokyo, tháng 1/2008. Ảnh: Reuters.

Những quốc gia Đông Á đề cao niềm tin vào khả năng ở tất cả học sinh chứ không phải ở những thiên tài bẩm sinh. Họ thường nói rằng, thành công được quyết định bởi 99% nỗ lực và 1% tố chất. Do vậy, các nhà nghiên cứu Đông Á thường coi sự nỗ lực, chăm chỉ là yếu tố quan trọng để học sinh đạt được kết quả cao trong các kỳ kiểm tra.

Phương pháp giáo dục trẻ em ở các nước Đông Á rất tích cực. Họ không phân chia trình độ học sinh vào từng nhóm khác nhau mà chỉ xếp loại học lực. Tất cả học sinh đều học chung một chương trình học, từ đó thúc đẩy tinh thần học tập ở các học sinh kém.

Ngoài giờ học chính khóa, học sinh ở Đông Á còn phải tham gia vào các lớp học thêm, ngoài giờ học, thậm chí có những đứa trẻ phải học thêm vào buổi tối. Nhìn chung, học sinh Đông Á phải học thêm 3 tiếng sau giờ học chính khóa và dành thêm 2 tiếng nữa để làm bài tập về nhà mỗi ngày.

Tuy nhiên đây cũng chính là một vấn nạn giáo dục bởi áp lực thi cử lên các học sinh là rất lớn, mà chủ yếu là do bố mẹ và gia đình.

2. Giáo viên

Dạy học là một nghề được tôn trọng ở Đông Á. Do đó, sự cạnh tranh để được làm thầy cô giáo khá khốc liệt. Đổi lại, làm việc trong ngành giáo có điều kiện tốt, được hỗ trợ liên tục để phát triển chuyên môn.

Giáo viên ở Thượng Hải có khối lượng giảng dạy thấp hơn ở Anh, dù lớp có đông học sinh hơn. Ở cấp tiểu học, các trường học đã tuyển chọn và sử dụng các giáo viên chuyên Toán vì ở Đông Á, Toán được coi là môn học chính, quan trọng và để đánh giá năng lực học sinh. Mỗi ngày, giáo viên chuyên Toán chỉ giảng dạy 2 tiết học, mỗi tiết dài 35-40 phút. Nhờ đó, giáo viên có thời gian lên kế hoạch cho bài giảng hoặc trợ giúp học sinh khi cần thiết, cùng đó là thời gian để họ phát triển nghiệp vụ trong các nhóm nghiên cứu giảng dạy, đào tạo.

Tại Nhật Bản, “nghiên cứu giờ học” được áp dụng tại các trường tiểu học. Hoạt động này bao gồm: chuẩn bị chu đáo kế hoạch giảng dạy, quan sát quá trình dạy học của đồng nghiệp, sau đó rút ra những bài học cho mình cũng như nhận xét, góp ý để cùng nhau phát triển, nâng cao chuyên môn.

3. Giáo cụ trực quan

Một thực tế phải nhận thấy rằng kiến thức, cơ sở lý thuyết giáo dục cho các nước Đông Á đều chịu ảnh hưởng từ các nước phương Tây. Ví dụ “thuyết học tập qua trải nghiệm” của Jerome Bruner cho rằng người học cần được trải nghiệm trực quan về một khái niệm bất kỳ. Sau đó sử dụng hình ảnh, mô hình hiển thị… để giúp học sinh nắm bắt tốt, hiểu sâu, nhớ lâu các bài học, đặc biệt trong việc học các công thức hoặc ngôn ngữ mới.

Những kiến thức này được các nhà nghiên cứu giáo dục Singapore dịch lại và tập trung vào các mô hình trực quan, hình ảnh rồi mới tới công thức hóa.

4. Sự phát triển từ cộng đồng

Trong những năm 1970, nền giáo dục của Singapore thụt lùi nhiều so với thế giới. Tuy nhiên bằng việc xây dựng từng bước từ sách giáo khoa tới đội ngũ giáo viên.

Tương tự như vậy ở Trung Quốc và Hàn Quốc thay đổi và cải cách giáo dục đều do cấp quốc gia chỉ đạo và lên kế hoạch. Điều này tạo nên sự nhất quán trong chương trình dạy học.

Thành công của giáo dục Đông Á đã biến những nước này trở thành “hình mẫu xã hội” cho nhiều quốc gia. Điển hình là những người đang hoạch định chính sách giáo dục ở Anh đang tìm cách thực hiện theo cách thức giảng dạy của người châu Á.

Tuy nhiên, hệ thống, nền tảng giáo dục ở Đông Á chỉ toàn ưu điểm khiến cho nhiều nước nên coi đó là hình mẫu lý tưởng? Sự cào bằng trong giáo dục, đòi hỏi phát triển toàn diện, ít chú trọng đào tạo theo năng khiếu, sở thích và năng lực ở học sinh khiến một bộ phận không nhỏ học sinh cảm thấy chán nản, không hứng thú thậm chí thấy căng thẳng trong học tập.

Ngọc Hà

Theo Business Insider

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tại sao Đông Á luôn dẫn đầu thế giới về Toán và Khoa học? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.