Tâm thư của nữ sinh Quảng Nam khi rời khu cách ly: Con cảm nhận được sự yêu thương giữa hai chữ "Đồng bào"

Hồng Ngọc
Sau khi kết thúc 14 ngày cách ly theo quy định, Khánh Quỳnh được trở về nhà. Để bày tỏ tâm tư của mình, cô bạn đã viết một bức thư gửi đến, lãnh đạo tỉnh, cán bộ, lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.

Những ngày cuối cùng trước khi rời khu cách ly số 3 (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), cô bạn Cao Nguyễn Khánh Quỳnh - sinh viên năm 3 trường ĐH Bách khoa Đại học Quốc gia TP.HCM đã viết một bức thư tay gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP.Tam Kỳ, Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM, các cán bộ chiến sĩ, đội ngũ y bác sĩ trên chuyến xe nghĩa tình và Ban chỉ huy khu cách ly số 3.

Trong thư, Khánh Quỳnh viết: "Những ngày vừa qua là những ngày hạnh phúc nhất và may mắn đối với những bà con trên chuyến xe đầu tiên về quê nói chung và của con nói riêng. Con không quên những gì mình đã được chăm sóc, quan tâm trong thời gian qua. Những lời tâm sự sau đây thay cho lời cảm ơn chân thành đến bác, cô, chú.

Những ngày dịch bùng phát tại TP.HCM, tiếng còi xe cứu thương, đâu đâu cũng giăng dây, nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn của gia đình, bạn bè lòng con thật sự lo lắng. Một mình trong dãy nhà trọ yên ắng, cố học bài, đọc sách để quên đi sự hoang mang của bản thân".

Tâm thư của nữ sinh Quảng Nam khi rời khu cách ly: Con cảm nhận được sự yêu thương giữa hai chữ
Tâm thư của nữ sinh Quảng Nam khi rời khu cách ly: Con cảm nhận được sự yêu thương giữa hai chữ
Bức thư xúc động của cô bạn Khánh Quỳnh.

Giữa những lúc chơi vơi, cô bạn biết đến chủ trương của tỉnh sẽ đón bà con trong tâm dịch trở về quê theo nguyện vọng đăng ký. Với Quỳnh, niềm vui đó không thể nào tả hết. "Ngày rời xa TP.HCM trời đổ cơn mưa thật lớn, như còn níu kéo bước chân người ở lại, đã gắn bó với nơi đây hơn 3 năm.... Đáng lẽ phải hát, cười vui vẻ khi được về nhà nhưng ở đây một không khí ấm áp, thân thiện và trên hết là mọi người trên chuyến xe đều ý thức giữ gìn sức khỏe cho nhau, tuân thủ biện pháp chống dịch", cô bạn chia sẻ.

Về đến Tam Kỳ (Quảng Nam) vào lúc rạng sáng, Quỳnh vừa mừng vừa lo có xen lẫn chút mệt mỏi vì quãng đường di chuyển khá xa. Nhưng khi nhận được sự đón tiếp nhiệt tình từ các chiến sĩ trong khu cách ly, mọi cảm giác mệt mỏi dường như tan biến. Quỳnh nhớ lại: "Các cô chú ở khu cách ly đã chuẩn bị rất chu đáo các đồ xịt khuẩn, xét nghiệm, đo thân nhiệt. Những ngày ở khu cách ly, con hòa nhập một cách dễ dàng, nhanh chóng và cảm giác như được ở nhà".

Hàng ngày, Khánh Quỳnh và mọi người được chăm lo đầy đủ từ bữa cơm, miếng nước. Thậm chí, cô bạn còn được trang bị cả wifi để học online, không bỏ lỡ một buổi học trong mùa dịch. Tất cả những hành động nhỏ nhặt mà chu đáo khiến nữ sinh không kiềm được nước mắt.

Tâm thư của nữ sinh Quảng Nam khi rời khu cách ly: Con cảm nhận được sự yêu thương giữa hai chữ
Những ngày ở khu cách ly với Quỳnh là được cảm nhận sự yêu thương, thấu hiểu và cảm thông. (Ảnh: Khánh Quỳnh)

Những ngày ở khu cách ly là khoảng thời gian hạnh phúc và may mắn đối với Quỳnh và những người trên chuyến xe đầu tiên trở về quê. Nữ sinh tâm sự: "14 ngày tại khu cách ly trôi qua thật nhanh. 14 ngày không quá dài nhưng cũng đủ cho những ký ức, tình cảm đó lưu lại. 14 ngày là sự thấu hiểu, cảm thông yêu thương giữa hai chữ 'Đồng bào'. Các y bác sĩ, các chú bộ đội ở đây luôn sẵn sàng hết lòng phục vụ. Các chú bảo vệ an ninh không quản ngày đêm ngủ ngoài lều trại. Sống giữa chân tình, con thấy tự hào hai chữ 'Quê hương'. Con dành sự cảm phục và lòng biết ơn đối với những đóng góp ấy. Lời cảm ơn khó nói hết những gì nhận được".

Cuối thư, Khánh Quỳnh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo TP.Tam Kỳ, Hội đồng hương cũng như lực lượng tuyến đầu chống dịch với nghĩa cử cao đẹp và trách nhiệm, tình cảm đã dành cho người dân xa quê trở về.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Góc ô mai khác

"Tôi đã khóc khi nhìn chiếc áo cũ của Đại tướng"

Cuối năm 1993, chuẩn bị Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại, báo Thiếu niên Tiền phong (TNTP) đã chủ động phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Ban Thanh niên Quân đội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức một cuộc thi lớn.

"Phóng viên nhỏ" kể chuyện

Chúng mình cùng nghe các phóng viên nhỏ kể về những người mà các bạn ấy vô cùng yêu mến. Và các bạn cũng đừng quên thi đua viết bài gửi về chuyên mục để được đăng báo và nhận nhuận bút rất hấp dẫn nhé!