Tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần

Bộ GD&ĐT nhận phản ánh của một số cử tri, hiện nay sách giáo khoa các cấp học chỉ sử dụng được một lần gây lãng phí. Vì vậy cần phải xem xét lại thiết kế sách giáo khoa cho phù hợp.

Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn phản ánh hiện nay sách giáo khoa các cấp học chỉ sử dụng được một lần gây lãng phí, đề nghị Bộ GD&ĐT và đơn vị trực thuộc là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải xem xét lại thiết kế sách giáo khoa cho phù hợp mục đích sử dụng.

Khi thiết kế sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT, Nhà xuất bản Giáo dục cần phân biệt rõ loại sách dùng lâu dài hay sách dùng một lần hoặc thiết kế riêng sách giáo khoa và sách bài tập phù hợp với từng cấp học, cho phép các em học sinh có thể viết trực tiếp vào sách in; khi đó học sinh vẫn có thể sử dụng được nhiều lần, lâu dài đối với sách giáo khoa, tránh gây lãng phí.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong danh mục sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành cho học sinh còn nhiều tài liệu không phải là sách giáo khoa bán kèm theo.

Những tài liệu này thực chất là sách bổ trợ, tham khảo hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Tuy nhiên, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành sách giáo khoa không có hướng dẫn rõ ràng dẫn đến việc các cơ sở giáo dục hiểu rằng đây là “sách giáo khoa bài tập” bắt buộc học sinh phải mua như sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT ngày 24/9/2018 về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần, Bộ đã yêu cầu:

Giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý giáo viên học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; không viết, vẽ vào SGK.

Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện hành để có phương án chỉnh sửa sách giáo khoa nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách giáo khoa trong quá trình học tập.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đề xuất phương án và được Bộ thông qua, đó là trên trang 1 mỗi cuốn sách giáo khoa xuất bản năm 2019 đều có in dòng chữ nhắc nhở học sinh: “Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau”.

Trong việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ đã và đang chỉ đạo các tác giả biên soạn sách có những phương án, hình thức biên soạn hạn chế tối đa việc học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa có thể sử dụng được nhiều lần.

Theo Giáo dục và thời đại

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.