Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết tại Hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ Dự án 5 - Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vừa diễn ra.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương ban hành cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói chung và Dự án 5 nói riêng.
Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh đã chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo chung các Chương trình Mục tiêu quốc gia và đơn vị giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp theo nguyên tắc, yêu cầu như đối với Ban Chỉ đạo Trung ương.
Theo kế hoạch triển khai Dự án 5, giai đoạn 2022-2023, tổng số vốn ngân sách trung ương cấp cho các tỉnh là 1.620 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, ngân sách trung ương mới cấp được 1.020 tỷ đồng (đạt 63% theo kế hoạch năm 2022 - 2023).
Lập, phê duyệt kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá theo quy định; đã tổ chức thực hiện, ban hành các văn bản quản lý điều hành; tổ chức thực hiện, ban hành kế hoạch thực hiện và kế hoạch đánh giá, giám sát việc thực hiện để xác định đúng đối tượng được hỗ trợ theo Dự án 5…
Theo Bộ Xây dựng, việc thực hiện Dự án 5 còn gặp một số khó khăn như: Công tác giải ngân vốn hỗ trợ từ cấp huyện đến cấp xã và đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn chậm; nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án 5 chưa đủ cân đối để tiến hành xây dựng nhà theo đúng tiêu chuẩn 3 cứng theo quy định, dẫn đến một số trường hợp không đủ điều kiện kinh tế để cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thực hiện xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở.
Bên cạnh đó, việc triển khai Dự án 5 cũng gặp phải một số vướng mắc về đất đai, quy hoạch; không có quy định được vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện xây nhà; việc lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương với các nguồn vốn hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân theo hướng xã hội hóa tại các địa phương còn hạn chế…
Để đẩy nhanh triển khai thực hiện Dự án 5 trong các tháng còn lại của năm 2023, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành tập trung, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai hỗ trợ đối với các địa phương, đặc biệt những nơi có tỷ lệ hỗ trợ thấp, giải ngân kém.
Cùng với nội dung trên, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo về nguồn vốn hỗ trợ ngân sách trung ương trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt 2 chính sách (chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt và chính sách hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn xây dựng nhà ở giai đoạn 2021-2025), để hộ nghèo có thể vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng lồng ghép, thực hiện Dự án 5.
Trong giai đoạn 2024-2025, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính lập kế hoạch phân bổ vốn năm 2024 kịp thời cho các địa phương triển khai Dự án 5 trong năm tiếp theo.
Từ nay đến hết năm 2023, UBND các tỉnh tập trung rà soát Đề án đã phê duyệt để đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện về nhà ở, đảm bảo việc hỗ trợ đúng quy định; chỉ đạo UBND cấp huyện, xã ưu tiên thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thứ tự ưu tiên đã quy định; kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ có báo cáo gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp.
Về lâu dài, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng theo điều kiện cụ thể của địa phương; có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy kết quả giải ngân nguồn vốn từ ngân sách trung ương; Tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đến người dân bằng hình thức phù hợp; công bố công khai các tiêu chí, đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã rất tích cực trong việc triển khai, thực hiện Dự án 5.
Đến nay, nhiều địa phương đã, đang thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch năm 2023, song cũng còn một số địa phương đang gặp một số vướng mắc, chủ yếu là khó khăn trong bố trí nguồn vốn đối ứng, xác định đối tượng thụ hưởng kết quả Dự án.
“Các đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng sẽ được Bộ sớm giải đáp cụ thể bằng văn bản gửi địa phương. Bộ Xây dựng cũng sẽ có văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan Trung ương giải đáp những đề xuất kiến nghị liên quan, đồng thời tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ.