Người truyền lửa

Nhi đồng
Lúc nhỏ, tôi chưa từng nghĩ bản thân có thể viết những lời văn vẻ về thầy cô. Ấy vậy mà bây giờ, tôi lại sợ là mình không diễn tả được hết những điều trong lòng mình.

Ngày tôi vào lớp 6, tôi ghét học Ngữ văn, hay nói đúng hơn là ghét việc cô giáo dạy Văn cứ bắt phải viết thế nọ, thế kia… Với tôi, thứ xa xôi nhất không phải tia nắng của ngày tắt dần trên tầng mây cao vút, mà là nét bút hình số 8 màu đỏ rực trên góc bài kiểm tra Văn của mình.

Cô giáo dạy Văn của chúng tôi khi đó là cô Trần Thị Hoa. Cô chừng 48 tuổi với mái tóc dài màu đen không xoăn, không nhuộm, trang phục giản dị. Mỗi lần giảng bài, cô thường kết bằng câu: “Các em hiểu không?”. Khi chắc chắn chúng tôi đã hiểu (qua quan sát gương mặt của chúng tôi), cô mới chuyển sang ý khác. Có lần, cô đi xuống đến chỗ tôi, thấy tôi đang nhìn ra theo ánh nắng hắt ngoài cửa sổ, cô bất chợt hỏi tôi:

- Có đẹp không?

Tôi hơi giật mình nhưng vẫn ngoan ngoãn trả lời:

- Dạ có, thưa cô.

- Cảnh này có làm em nghĩ đến điều gì không?

Tôi trầm ngâm mất một lúc, rồi ngẩng lên đáp lại câu hỏi của cô.

- Em nghĩ đến đường chân trời cô ạ.

- Nơi đó trông như thế nào?

- Không có nhà cửa gì cả ạ, chỉ là khoảng đồng vô tận và những vùng nắng chiếu xuống từ những lỗ hổng mây trời.

Cô Hoa mỉm cười nhìn tôi:

- Đầu óc tưởng tượng của em khá tinh tế, tại sao lại không thích học Văn?

Tôi hơi kinh ngạc khi nghe cô nhận xét. Tôi chưa từng nghĩ điều đó, có chăng tôi chỉ là thằng bé mộng mơ, lơ đãng, hai chữ “tinh tế” hình như cao siêu quá chăng? Khi ấy, tôi đáp lời cô:

- Em không thích sự khuôn mẫu trong môn Ngữ văn ạ. Tại sao khi bình văn, đề là “ý kiến của em”, nhưng lại phải giống đáp án của thầy cô hả cô?

Cô sững người nhìn tôi mất một lúc, đồng tử cô hơi giãn ra và tôi thấy trong mắt cô phản chiếu hình ảnh tôi đang ngây thơ thắc mắc, là tôi của những ngày ngơ ngác khờ khạo.

Sau khi tôi mạnh dạn hỏi, cô đã xoay người bước lên bục giảng và nói với cả lớp bằng giọng nhẹ nhàng, rành rọt, những lời mà mãi sau này tôi vẫn còn thuộc lòng, dù chỉ được nghe đúng một lần năm mười ba tuổi.

- Cái các em cần bám vào gọi là các bước đi cơ bản, đã được đúc rút thành những điều đúng đắn nhất về một tác phẩm. Trong cuộc đời, ý kiến cá nhân là quan trọng, nhưng nó phải dựa trên cơ sở lý luận chung. Những kiến thức về tác phẩm mà cô dạy các em sẽ hướng cho các em khai thác tác phẩm. Nếu em thuyết phục được người đọc rằng suy nghĩ của em là có căn cứ, em hoàn toàn có thể bình thêm vào bài những cảm nhận của riêng em. Nhưng nếu thấy những nhận xét mang tính cá nhân của các em chưa thích đáng, cô sẽ phải giúp các em đi đúng hướng. Giống như sau này ra ngoài xã hội, tự do ngôn luận phải đi kèm với sự đúng đắn và chừng mực. Nếu em có bản lĩnh làm cho ý kiến của em trở nên thuyết phục, đó là lúc cá tính của các em được đón nhận. Cô chỉ muốn nói, thứ được đón nhận đó thường sẽ là điều đúng. Sau này các em có trở thành ai, các em có quan điểm riêng, nhưng các em vẫn cần bám vào cái khung quy chuẩn đúng đắn của cuộc đời để hành xử. Các em hiểu không?

Những ngọn gió đưa mùi hoa sữa lùa qua khung cửa sổ cũ kỹ, quện vào tóc tôi và mơn man không khí lặng yên trong lớp học. Chúng tôi đều ngạc nhiên và trầm ngâm sau lời giải thích của cô. Hóa ra, cô không hề ép buộc chúng tôi phải làm theo quy tắc mà cô dạy chúng tôi hiểu rõ tính đúng đắn của những quy tắc để rồi tự mình thay đổi. Cô thường bảo: “Cô muốn các em tự mình hiểu rõ rồi hành động, thay vì ép các em hành động trong khi không hiểu nguyên do. Con gà con chui ra khỏi vỏ trứng vì một lực tác động từ bên ngoài, nó sẽ chết, nhưng nếu là lực từ bên trong, nó sẽ phá vỡ vỏ trứng để nhìn thấy được thế giới. Áp đặt các em là giết chết khả năng tự quyết định của các em, các em hiểu chứ?”.

Có cái gì đó vẫn đang thay đổi trong tâm trí bồng bột của đám trẻ con tuổi mười ba, mười bốn như chúng tôi, qua những bài học sâu xa mà thấm thía theo năm tháng của cô. Đến bây giờ, chúng tôi đã tự tin hẳn. Những lúc rảnh rỗi sau giờ bồi dưỡng, cô luôn thủ thỉ với tôi rằng: “Em năm đó giống như một hạt giống tốt, vì ương ngạnh mà mãi không chịu nảy mầm. Cô đã rất xúc động khi nhìn thấy tiềm năng phát triển trong ánh mắt trong trẻo và giọng văn vụng về của em”.

Giờ đây, cô của tôi vẫn ngày đêm cần mẫn bên trang giáo án để tạo nên những giai điệu cho tiết học sớm mai. Còn tôi, tôi vẫn còn chặng đường thật dài chờ mình ở phía trước, còn giấc mộng chưa thành, còn trách nhiệm đưa những gì cô dạy đi lan tỏa yêu thương. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ trở thành một thầy giáo dạy Văn để thay lời cảm ơn cô chân thành nhất.

Hóa ra thứ xa vời nhất không phải tia nắng cuối cùng trên tầng mây cao vút mà có lẽ là những ước mơ dang dở mà bản thân đã bỏ lỡ vì chưa đủ nỗ lực trong cuộc đời.

ĐẶNG VĂN MẠNH
(Lớp 9C, trường THCS Lý Tự Trọng, huyện Đô Lương, Nghệ An)

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi Đồng. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi Đồng. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Người truyền lửa tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Tạm biệt Út Rô

Út Rô là tên của chú cá rô nhỏ trong hồ cá nhà tôi. Ai đến nhà tôi cũng ngạc nhiên vì Út Rô ...

Bài Sáng Tác khác

Lời cảm ơn thơm ngát

Chị Trầu đã hết sốt chưa? Hôm nay em được điểm 9 môn tập đọc rồi! – Bi đi học về vừa chạy tới nhà đã hào hứng khoe.

Dưới tán phượng hồng

Sân trường vào mỗi buổi chiều luôn yên ả, chỉ còn lại tiếng lá cây xào xạc hòa trong ánh nắng cuối ngày len lỏi qua từng tán phượng. Tôi ngồi dưới gốc cây quen thuộc – nơi đã chứng kiến biết bao niềm vui, nỗi buồn và những kỷ niệm không thể nào quên.

Ai cũng có thể trao đi điều kỳ diệu

Đầu năm học, lớp tớ đón thêm một “cô bạn đặc biệt” tên là Khánh An. Mỗi khi phải nói, bạn ấy phát âm rất khó khăn. Trong giờ học cũng như giờ ra chơi, có lẽ do tự ti nên bạn ấy khá nhút nhát và thường ngồi yên một chỗ.

Cây đèn sáng mãi

Bác sĩ Menzies – người phụ trách bệnh viện dã chiến quân đội Hoàng gia Anh lạnh lùng nói với nữ điều dưỡng Florence:

Mẹ và con gái

Tháng 3 về mang theo những làn gió ấm áp và ánh nắng dịu dàng, hoa cúc vàng bắt đầu nở rộ đó cũng là lúc con gái nhỏ của chị Lan, bé Khánh Vy bắt đầu suy nghĩ về món quà đặc biệt để tặng mẹ nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Mưa qua Làng Giàn

Mời các bạn cùng nghe cây bút nhỏ Dương Phương Thảo (11 tuổi, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) kể một câu chuyện rất thú vị về một “ngôi làng đặc biệt” trong thiên nhiên nhé!