Tạo động lực cho giáo viên người dân tộc thiểu số tại vùng đặc biệt khó khăn

Sáng ngày 16/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp mặt 63 thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số tiêu biểu được tôn vinh trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 .

Cùng dự có anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, từ năm 2015 đến nay, Ban tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” mỗi năm lựa chọn các thầy cô giáo thuộc một nhóm lĩnh vực để tuyên dương.

Anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam báo cáo với Phó Thủ tướng tại buổi gặp mặt.

Năm nay, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tổ chức tôn vinh 63 thầy cô giáo tiêu biểu là người dân tộc thiểu số của 26 dân tộc, trong đó có 6 giáo viên là người dân tộc rất ít người (dưới 10 nghìn người). Trước khi thầy cô về Hà Nội, các nhóm công tác của Chương trình đã tới tận nơi các thầy cô làm việc để tìm hiểu điều kiện giảng dạy, tâm tư và nguyện vọng đóng góp của các thầy cô cho sự nghiệp giáo dục.

Tại buổi gặp mặt, nhiều thầy cô giáo đã chia sẻ tâm tư và những mong muốn về chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho những giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số khó khăn.

Cô giáo Pi Năng Thị Hải, dân tộc Raglai, đang giảng dạy tại Trường mầm non Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất của trường, tuy nhiên nhà trường vẫn cần quan tâm đầu tư hơn nữa để các học sinh có điều kiện tốt học tập.

Cô giáo Pi Năng Thị Hải mong muốn, sắp tới giáo viên sẽ được nhận nhiều chính sách ưu đãi hơn, đặc biệt là giáo viên mầm non. Đây là ngành nghề có công việc đặc thù vất vả hơn so với các cấp khác, cần đảm bảo đủ 2 cô một lớp trẻ. "Đầu năm, em nhận lớp dạy 34 cháu chỉ với một cô giáo, như vậu là không thể đáp ứng được, bởi các cháu mầm non nghịch ngợm, thậm chí chọc bạn. Em nghĩ là cần đáp ứng đủ giáo viên để đảm bảo an toàn cho các cháu cũng như chăm sóc, giáo dục đảm bảo hơn, bởi không chỉ chăm sóc mà các cháu cần được giáo dục nừa", cô Hải nói.

Bày tỏ niềm vui khi gặp mặt các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục-đào tạo, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng diện chính sách.

Bác Vũ Đức Đam nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao tinh thần tận tụy, cống hiến của 63 giáo viên tiêu biểu dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, đặc biệt là tại các địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể và cấp chính quyền tiếp tục chú trọng việc phân bổ kinh phí cải cách chương trình giáo dục, cải thiện cơ sở vật chất, giáo cụ, đồ dùng học tập; quan tâm hơn nữa đời sống sinh hoạt, giảng dạy của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả về điều kiện công tác, đời sống sinh hoạt và ghi nhận những nỗ lực, thành tích của các thầy, cô giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng mong muốn các thầy, cô giáo được tuyên dương dịp này tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, luôn là tấm gương sáng trong ngành giáo dục, góp phần tích cực vào sự nghiệp trồng người của nước nhà bằng những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học cụ thể, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn các thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số đã vượt qua khó khăn để chăm sóc và mang những con chữ cho các bạn nhỏ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng đề xuất phát động phong trào “5 điều ước”, vận động toàn xã hội triển khai để lắp hệ thống điện mặt trời; phủ sóng điện thoại; hỗ trợ học sinh bữa ăn trưa; hỗ trợ sách vở và đồ dùng học tập tiếng dân tộc; xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh, giáo viên các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tạo động lực cho giáo viên người dân tộc thiểu số tại vùng đặc biệt khó khăn tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Thủ tướng đồng ý nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4 - 1/5

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2024.