Thi đánh giá năng lực khác kiểm tra kiến thức như thế nào?

vuhien
Trong dự thảo của Bộ GD&ĐT, ở cấp THCS, trường nào có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực.

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh THCS và THPT, nhận được sự quan tâm của dư luận.

Cần hiểu thế nào là "đánh giá năng lực"?

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, thông tư 11 năm 2014 quy định phương thức tuyển sinh vào THCS là xét tuyển. Tuy nhiên, một số trường có số hồ sơ đăng ký vào học nhiều hơn so với chỉ tiêu nên gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Lý giải về vấn đề này ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ với Tri thức trực tuyến: "Chúng ta đang đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đánh giá năng lực học sinh khác với đánh giá kiến thức vì kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực. Đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh có được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể".

Theo ông Thành, chúng ta đang có định hướng sẽ phát triển 10 năng lực cho học sinh bao gồm: Tự chủ - tự học, giao tiếp - hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo; toán học; ngôn ngữ; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; công nghệ; tin học; nghệ thuật; thể chất. Tùy mục tiêu, yêu cầu, nhà trường có thể lựa chọn để đánh giá năng lực nào đó của học sinh. 

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Bộ GD&ĐT. 

Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học lý giải nếu kiểm tra kiến thức ở môn Toán học có thể giao cho học sinh một phương trình hay nội dung nào đó dùng kiến thức để giải. Còn khi đánh giá năng lực, giáo viên sẽ giao cho học sinh vận dụng kiến thức mình làm để giải quyết vấn đề cụ thể. Học sinh phải lập phương trình để giải chứ không phải chỉ là giải phương trình cho sẵn. 

“Việc thi và kiểm tra đánh giá sẽ có tác động trở lại đối với quá trình dạy học. Các thầy cô không chỉ trang bị kiến thức, mà con phải làm sao cho học sinh biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết tình huống phù hợp”ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Với học sinh tiểu học, việc hình thành năng lực phải kéo dài từ lớp 1 đến lớp 5 chứ không phải trong một giai đoạn ngắn.

TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, lý giải một số trường như THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) xây dựng phương án xét tuyển lớp 6 bằng cách dựa vào học bạ 5 năm tiểu học, kèm tiêu chí phụ là kết quả của các cuộc thi.

Ngoài ra, trường này cho học sinh làm bài đánh giá năng lực bằng cách viết bài luận tổng hợp bằng tiếng Anh. Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng bài luận này không phụ thuộc kiến thức học sinh có đi học thêm hay không.


Theo quan điểm phát triển năng lực, việc đánh giá kết quả học tập không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm của việc đánh giá. Đánh giá kết quả học tập theo năng lực cần chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau. Đánh giá kết quả học tập đối với các môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp và sau cấp học là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu dạy học, có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tập của HS. Hay nói cách khác, đánh giá theo năng lực là đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ trong bối cảnh có ý nghĩa.

Kim Hiền (Tổng hợp)

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thi đánh giá năng lực khác kiểm tra kiến thức như thế nào? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.