Thi lớp 10 ở Hà Nội: Đeo khẩu trang, không được bật điều hòa, cha mẹ không được tập trung ở cổng trường

Lại Ninh
Đó là quy định trong văn bản hướng dẫn liên ngành của Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ban hành, với mong muốn kì thi lớp 10 diễn ra an toàn nhất.

Ngày 2/6, Sở GD-ĐT TP. Hà Nội đã ký văn bản hướng dẫn liên ngành về công tác phòng chống dịch COVID-19 trong kỳ thi sắp tới. Kỳ thi sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày từ 12 đến 13/6. Các môn thi cũng sẽ được giảm thời gian, tổ chức thi 2 môn/buổi. Bên cạnh đó, số câu hỏi trắc nghiệm ở môn Lịch sử và Ngoại ngữ cũng sẽ được giảm xuống để phù hợp hơn với thời gian thi. 

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng lưu ý một số điểm chống dịch sau: 

Không sử dụng điều hòa tại các điểm thi, thí sinh có thân nhiệt cao hơn mức bình thường sẽ dự thi tại phòng thi dự phòng.  

Văn bản hướng dẫn nêu rõ các công việc của điểm thi. Nội dung đáng chú ý là điểm thi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan y tế tổ chức vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ điểm thi trước kỳ thi và sau mỗi buổi thi; bố trí phòng thi thông thoáng, không sử dụng điều hòa; đánh dấu vị trí đứng của thí sinh và cán bộ coi thi bảo đảm khoảng cách để làm thủ tục vào phòng thi. 

Bên cạnh đó, điểm thi cần chuẩn bị vật tư, cơ số thuốc, trang thiết bị thiết yếu theo đúng quy định; chuẩn bị tối thiểu 1 phòng thi dự phòng, 1 phòng cách ly để sử dụng trong tình huống phát hiện thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc những bất thường khác; chuẩn bị nơi rửa tay, nước sạch, xà phòng, khăn giấy sạch, nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn; bố trí thùng rác có nắp lật... 

Thi lớp 10 ở Hà Nội: Đeo khẩu trang, không được bật điều hòa, cha mẹ không được tập trung ở cổng trường - Ảnh 4
Mỗi điểm thi sẽ chuẩn bị một phòng thi dự phòng. (Ảnh minh họa)

Các điểm thi sử dụng bình, chai nước uống cá nhân cho các thành viên, trường hợp điểm thi tổ chức ăn trưa cho các thành viên thì sử dụng hình thức suất ăn cá nhân bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh, bố trí chỗ ngồi cho các thành viên đủ khoảng cách an toàn. 

Mỗi điểm thi bố trí tối thiểu 5 cán bộ y tế, nhân viên tình nguyện để đo thân nhiệt thí sinh và cán bộ làm nhiệm vụ trước giờ thi; cử ít nhất 2 cán bộ y tế trực tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ và xử lý các tình huống phát sinh. Trường hợp thí sinh có thân nhiệt bình thường phải vào ngay các phòng thi theo quy định, không tập trung tại sân trường; trường hợp thí sinh có thân nhiệt cao hơn mức bình thường sẽ dự thi tại phòng thi dự phòng, sau buổi thi các thí sinh này phải được bộ phận y tế kiểm tra, xử lý nghiệp vụ chuyên môn theo quy định; trường hợp thí sinh đang dự thi nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở được chuyển đến phòng cách ly, bộ phận y tế xử lý nghiệp vụ chuyên môn theo quy định.

Học sinh, giáo viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi

Theo quy định, thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 (còn trong thời gian phải cách ly theo quy định) và trong khu vực bị phong tỏa thì không tham dự kỳ thi. 

Các thí sinh còn lại, cần nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của trung ương, thành phố và quy định của kỳ thi; thực hiện nghiêm quy tắc "5K" của Bộ Y tế, đeo khẩu trang khi đến điểm thi, trên đường từ điểm thi về nhà và nơi tập trung thí sinh. Trước khi vào phòng thi, thí sinh phải gỡ khẩu trang để cán bộ coi thi kiểm tra, sau đó đeo khẩu trang vào phòng thi và trong suốt thời gian làm bài thi. 

Thi lớp 10 ở Hà Nội: Đeo khẩu trang, không được bật điều hòa, cha mẹ không được tập trung ở cổng trường - Ảnh 6
Học sinh sẽ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình thi. (Ảnh minh họa)

Học sinh phải rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vào phòng thi; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, vải hoặc khuỷu tay áo; không khạc nhổ bừa bãi; bỏ rác, khẩu trang đã qua sử dụng (nếu có) vào thùng rác ở nơi quy định; khuyến khích sử dụng bình/chai nước uống riêng (bình/chai trong suốt, không dán nhãn). 

Học sinh phải chủ động theo dõi sức khỏe và đo thân nhiệt hằng ngày. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở…) phải báo cáo kịp thời cho điểm thi và trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi thí sinh cư trú để được hướng dẫn.

Thi lớp 10 ở Hà Nội: Đeo khẩu trang, không được bật điều hòa, cha mẹ không được tập trung ở cổng trường - Ảnh 5
Học sinh sẽ phải đo thân nhiệt hằng ngày. (Ảnh minh họa)

Tương tự, cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện F0, F1, F2 hoặc trong khu vực bị phong tỏa không tham gia vào các khâu của kỳ thi. 100% thành viên của điểm thi phải thực hiện khai báo y tế bằng mã QR Code và đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ trong mỗi buổi thi; đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn trước khi vào phòng làm việc của điểm thi. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc các biểu hiện bất thường khác về mặt sức khỏe, đội ngũ này cần kiểm tra, theo dõi tại phòng y tế của điểm thi. 

Trưởng điểm thi có trách nhiệm lập phương án cụ thể trong công tác tổ chức học tập quy chế thi, phân công cán bộ coi thi bảo đảm giãn cách và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. 

Phụ huynh không tập trung tại trường thi

Với phụ huynh học sinh, Sở đề nghị cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về công tác phòng, chống dịch; không tập trung tại cổng trường thi, không vào trong khu vực thi. Phụ huynh đưa thí sinh đến điểm thi phải đứng cách điểm thi tối thiểu 50m, sau đó nhanh chóng rời khỏi khu vực điểm thi.

Thi lớp 10 ở Hà Nội: Đeo khẩu trang, không được bật điều hòa, cha mẹ không được tập trung ở cổng trường - Ảnh 7
Phụ huynh không được tập trung tại địa điểm thi. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chuẩn bị một số đồ dùng cá nhân cho thí sinh như khẩu trang, bình nước uống cá nhân, khăn giấy/vải. Chủ động khai báo y tế bằng mã QR Code và theo dõi thân nhiệt, sức khỏe của thí sinh trước khi đến điểm thi.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác

Con đi trải nghiệm, phụ huynh: Người vui, người tủi, người lo lắng

Theo chia sẻ của các phụ huynh, hoạt động trải nghiệm, về cơ bản đều mang đến những khám phá mới mẻ, thú vị, bổ ích, niềm vui cho con. Tuy nhiên, việc những hoạt động này liệu đã thực sự đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT, nhận được sự đồng thuận của các phụ huynh và đã thực sự đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tham gia hay chưa thì còn nhiều câu hỏi cần phải giải đáp.

Hoạt động trải nghiệm cho học sinh có đang đi chệch quỹ đạo?

Môn học Hoạt động trải nghiệm đã đi vào giảng dạy chính thức tại các cấp học trên toàn quốc từ năm học 2020-2021 với ý nghĩa tốt đẹp là giáo dục nhân cách, kĩ năng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Vậy nhưng, trong quá trình giảng dạy đã nảy sinh những bất cập.