Thiếu nữ 14 tuổi sốc phản vệ tới mức nguy kịch do bị kiến cắn lúc ngủ

Huệ Anh
Ngay sau khi bị kiến cắn một vết nhỏ xíu, nữ sinh này đã rơi vào tình trạng sốc phản vệ với biểu hiện như khó thở, tức ngực và bất tỉnh.

Nguy kịch vì một vết kiến cắn

Ngày 29/12 vừa qua, bạn T.T.H (14 tuổi) sống tại Đoan Hùng, Phú Thọ đã phải vào bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu vì sốc phản vệ do kiến đốt. Tại đây, bạn T.T.H có biểu hiện mất nhận thức, toàn thân nổi mẩn đỏ, thở rít, mạch nhanh và nhỏ, huyết áp không đo được, phù nề phần mặt.

Bệnh nhân được các y bác sĩ nỗ lực cấp cứu (Ảnh: Lê Quyên)

Theo lời của người nhà, bạn H. đang ngủ thì đột nhiên hét lên gọi mẹ do tay trái đau nhói. Khi mẹ chạy đến thì thấy một con kiến ở gần tay H. và chỉ vài phút sau thì H. rơi vào tình trạng khó thở, tức ngực, vật vã đau đớn và bất tỉnh. Ngay sau đó, gia đình lập tức đưa bạn H. tới bệnh viện cấp cứu.

Sau vết kiến cắn ở đầu ngón tay khiến thiếu nữ rơi vào tình trạng sốc phản vệ

Các bác sĩ chẩn đoán rằng bệnh nhân đã bị sốc phản vệ và lập tức tiến hành cấp cứu. Sau hai lần tiêm Adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ), bệnh nhân vẫn trong trạng thái lơ mơ, gọi không đáp, rít thanh quản và không đo được huyết áp. Bác sĩ tiếp tục tiêm Adrenaline tĩnh mạch bằng bơm điện và 5 phút sau thì có dấu hiệu tỉnh và các biểu hiện còn lại đã thuyên giảm. Đến chiều cùng ngày, bạn H. đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi tích cực tại phòng cấp cứu.

Sốc phản vệ là gì?

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng cực kỳ nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng của nạn nhân. Nó có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút tiếp xúc với một cái gì đó bị dị ứng. Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nghiêm trọng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm: Phản ứng ở da, bao gồm phát ban cùng với ngứa, da ửng đỏ hoặc nhợt nhạt (gần như luôn luôn hiện diện với sốc phản vệ); cơ thể nóng ran; cảm giác có khối u trong cổ họng; co thắt đường hô hấp, lưỡi hoặc cổ họng bị sưng, thở khò khè; cảm giác cái chết sắp xảy ra; mạch yếu và nhanh; buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy; chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Khi có các biểu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các nguyên nhân như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, truyền, uống thuốc,... thì người dân phải đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thiếu nữ 14 tuổi sốc phản vệ tới mức nguy kịch do bị kiến cắn lúc ngủ tại chuyên mục Cẩm nang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cẩm nang khác

Khi đói cần tránh ăn những loại quả nào?

Trái cây là món quà của thiên nhiên dành cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc chọn lựa thời điểm ăn trái cây cũng quan trọng không kém việc chọn loại trái cây nào phù hợp với cơ địa của mỗi người.