Tổ chim bé bỏng

Bảo Ngọc
Nhà văn Trung Sỹ được các bạn nhỏ gọi với cái tên thật đáng yêu “Chú nhà văn ôm đàn và hát” bởi chú không chỉ là nhà văn viết rất hay mà còn đàn rất giỏi và có giọng hát trầm ấm tuyệt vời. Mời các bạn cùng thưởng thức truyện ngắn “Tổ chim bé bỏng” trong Khu vườn Tuổi hồng trên ấn phẩm Thiếu niên Tiền phong thứ Tư số gộp tháng 8/2023 nhé!

Tổ chim bé bỏng

Hiền, một bé gái đang học lớp 6. Ba em là sĩ quan điều khiển ngư lôi, phục vụ trong đơn vị tàu ngầm nên thường xuyên vắng nhà. Má Hiền phụ trách đội công nhân chăm sóc cây xanh tại khu nghỉ dưỡng ngoại vi thành phố biển. Mùa hè, Hiền hay theo tới chỗ làm phụ giúp má,  bởi em cũng thích trồng cây.

Ở đây mát mẻ và yên tĩnh. Mé ngoài rặng dừa kia là biển. Ngực biển vồng lên đang thở phập phồng, xanh thẳm màu ngọc phỉ thuý. Dưới lòng biển thẳm biết đâu con tàu của ba đang tuần tra qua sát bờ nơi má con em đứng. Mé trong này, khu nghỉ dưỡng xanh ngắt như một ốc đảo màu lục bảo nổi trên nền vàng cát nóng bỏng xứ miền Trung. Những ngôi nhà mái đỏ xinh xắn ẩn hiện khuất bóng rừng dương. Cây xanh gọi chim về lập thành vương quốc. Có đủ tiếng các loài chim gọi nhau trên nền sóng biển rì rào. Dễ nhận nhất là tiếng chim bắt cô trói cột. Văng vẳng tiếng kêu buồn bã của loại chim không ai thấy mặt này lúc xa lúc gần. Chúng kêu vào những buổi chiều tà cho đến lúc nửa đêm về sáng. Lắm lời nhất là lũ chim sẻ. Tiếng bầy sẻ choanh choách đuổi nhau quanh những khu vườn lẩn khuất. Buổi trưa im lìm khoan thai trong tiếng gáy chim cu. Nghe tiếng chim cu gù, mắt Hiền chỉ muốn díp lại như khi phải làm bài tập toán. Em gọi bầy chim cu là thần ru ngủ.

Truyện ngắn của nhà văn Trung Sỹ được "làm tổ" trong Khu vườn Tuổi hồng của Báo Đội thật dễ thương! 

Ngược lại với lũ chim lắm lời, những người vừa đến lưu trú ở đây lại đặc biệt ít nói. Hiền để ý đến một bác trung niên đeo khăn rằn hay mang máy tính ra làm việc ngoài hiên. Lắm khi bác vừa gõ phím vừa lẩm bẩm nom thật tức cười. Hiền nghe mấy người cùng đoàn gọi tên là bác Việt. Có hôm em đi ngang qua hàng rào thấy mắt bác đỏ hoe như đang khóc. Chợt thấy Hiền, bác vội dụi mắt, đứng vụt dậy gượng cười giơ tay chào em như điều lệnh quân đội. Bác bảo bác nhớ bạn vẫn đang còn nằm mãi ở một chiến trường xa. Ba cũng hay chào vui má con Hiền như thế mỗi khi đi công tác về. Em cũng từng thấy ba lẩn vào toilet lau nước mắt khi nghe tin một chiếc máy bay hải quân bị tai nạn rơi trên biển. Những người lính thật lạ lùng. Họ vẫn khóc được như trẻ con, chỉ có điều luôn giấu nước mắt đi mà thôi.

Bạn yêu khu vườn Tuổi hồng của Báo thì mạnh dạn gửi những trang viết của mình đến cộng tác với Báo nhé!

Kể từ hôm đó hai bác cháu quen rồi thân nhau. Má bảo Hiền bác Việt là nhà văn quân đội. Con đừng làm phiền để bác tập trung làm việc. Nhưng chỉ đôi hôm không thấy bóng Hiền bác lại qua má hỏi thăm em. Chủ nhật, Hiền phát hiện một tổ chim chích bông trong bụi cây phong ba thấp sát mé rừng dương. Em chạy đến khoe với bác. Hai bác cháu rón rén lại gần hồi hộp quan sát. Chiếc tổ chim bé bỏng thật bất ngờ, nằm ngay cạnh đường đi. Chim mẹ khâu níu, chập ba chiếc lá cây phong ba lại với nhau bằng những sợi tơ nhện cùng thân cỏ chắc chắn. Phía trong lòng cuộn những sợi lá dương khô và lông chim mẹ tự rứt ra lót ổ. Nghe gió động cành cây tưởng chim mẹ về, ba chiếc mỏ vàng choé rướn lên há ngoác ra đòi mớm.

Rồi chim mẹ về thật. Nghe tiếng lích rích gấp gáp sốt ruột phía sau, hai bác cháu nhẹ nhàng rời đi, giả đò như không hề biết cái gia đình ấm êm đang đu đưa treo trên những chiếc lá phong ba xanh thắm. Bác Việt bảo những nơi nào chim chóc dạn người thì đất nơi đó lành và con người nhân hậu. Bác từng biết có những vùng đất người ta khâu mắt cò vạc để làm chim mồi bẫy đồng loại của chúng. Bác đọc cho em nghe bài thơ đang viết dở bằng một giọng trầm buồn. Đoạn thơ dở dang về con chim mù không hiểu sao Hiền lại nhớ hơn những bài thơ đang học trên lớp.

Cá mài mại lưng xanh

Cá rô cờ vây ráng đuôi rồng

Hút chạch dài lấm chấm bãi sông

Chim chào mào ngó nghiêng cành ớt

Đêm thu thảng thốt

tiếng sếu thiên di xao xác cánh đồng

Nay chúng đã bay về miền hư không

Bỏ lại những ngày đông vắng ngắt

Chim gáy chim ri chẳng tin người

Bù ngót mồng tơi không tin đất

Đêm bãi sông mưa buốt

Khoảng đồng sau

trên chiếc cọc cao

có con vạc đồng

mắt mù vì bị khâu

khàn khàn cất tiếng kêu tìm đồng loại.

Một buổi trưa, Hiền đang ngồi chơi với má bỗng thấy con rắn mối lớn tha một con chim non kêu lít nhít chạy trên hàng rào dâm bụt. Em nhặt một cành dương khô đuổi theo cướp lại nhưng không kịp. Con bò sát tinh quái đuôi dài đã biến mất trong một bụi rậm. Hiền vội đến tổ chim chích bông kiểm tra. Quả nhiên chỉ còn hai cái mỏ há ra đòi ăn. Lũ chim non không hiểu những nguy hiểm đang rình rập chúng. Hiền mếu máo khóc, đến mách bác Việt. Bác cũng tiếc con chim, vỗ về an ủi em. “Đời sống thiên nhiên muôn đời vẫn thế con à. Với lại chim mẹ nó không biết đếm như con người. Chớ lo nó buồn”.

Sau sự cố này, mẹ con nhà chích bông trở nên nổi tiếng toàn khu nghỉ dưỡng. Chiếc tổ chim bé bỏng nhận được sự bảo vệ đặc biệt của mọi người. Bác Việt mang máy tính đến chiếc bàn dưới bóng cây gần đó, vừa làm việc vừa canh chừng. Tổ trồng trọt đáo qua đáo lại để mắt liên tục. Thậm chí các em bé theo cha mẹ đến khu nghỉ mát còn phân công nhau lập một “trạm gác” ở đầu hàng rào giáp với rừng dương, hễ gặp rắn mối là xua đuổi.

Chim chích bông mẹ dường như biết có sự hỗ trợ, càng chăm chỉ kiếm mồi hơn. Đôi cánh vun vút đi về, vẽ trong nắng mai những đường bay màu xanh lục. Được mớm nhiều, hai con chim non lớn nhanh như thổi. Chẳng mấy chốc những chiếc lông măng đã bung phủ thành lớp lông vũ óng ả. Chúng đã biết trèo ra khỏi tổ, dợm chân vẫy đôi cánh non mừng đón chim mẹ về.

Lũ chim non đã biết bay chuyền những đoạn khá xa. Ngày chúng rời ổ đúng vào ngày đợt công tác của bác Việt kết thúc. Hai bác cháu chia tay bên chiếc tổ gia đình chích bông. Thấy Hiền tần ngần nhìn cái tổ vắng chim, bác an ủi: “Khi lá phong ba già thì chiếc tổ sẽ rụng theo thôi con à. Sự chia tay cái cũ luôn ghi dấu những sự trưởng thành. Bầy chim non sẽ lớn lên và xây những tổ ấm mới. Rồi bác sẽ gửi cho con một cái tổ chích bông không bao giờ rụng.” Bác xốc lại ba lô, vui vẻ chào em theo điều lệnh quân đội. Em vẫy tay theo chiếc xe chở đoàn bác chạy xa dần.

Một ngày  trước lễ Giáng sinh, Hiền nhận được một bưu kiện nhỏ ghi đích danh tên mình. Hai má con hồi hộp mở xem. Ô! Một cuốn sách thật đẹp cùng lời đề tặng của bác Việt: “Tặng cháu Hiền yêu quý câu chuyện Tổ CHIM BÉ BỎNG”. Em vui sướng cầm cuốn sách còn thơm phức mùi mực in chạy ra vườn. Trên vòm lá xanh hôm nay có tiếng chim chích bông kêu ríu rít.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tổ chim bé bỏng tại chuyên mục Góc ô mai của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Đốt lá đọc sách

Tiếng trống thúc dồn dập và tiếng reo hò từ đám hội ngoài đình vang vọng tới thật náo ...

Mùa đông không lạnh

Thế là ông lão mùa đông đã mở cánh cửa thời gian để những chùm mây xám ngủ yên trong căn ...

Bài Góc ô mai khác

Trao tặng 06 Thư viện “Nâng cánh ước mơ”

Chiều 28/11, tại Tòa soạn Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (TP. Hà Nội), Lễ trao tặng Thư viện “Nâng cánh ước mơ” đã chính thức diễn ra, đánh dấu những bước khởi đầu đầy ý nghĩa cho hành trình lan tỏa tri thức và xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Họa sĩ lợn tài ba

Lợn mà cũng có buổi triển lãm tranh cá nhân, bạn có tin không? Hihi, trong lúc bạn còn đang “mắt chữ O, miệng chữ A” thì Chăm Học xin giới thiệu tới bạn buổi triển lãm có tên là OINK.

Bốn anh em tài giỏi

Ngày xưa, đã rất lâu rồi, có một người đàn ông nghèo sinh được bốn người con trai. Khi các con đã trưởng thành, khôn lớn, ông gọi các con lại và nói:

"Bật mí" năng khiếu của 12 chòm sao

Mỗi người chúng ta đều có một thế mạnh, năng khiếu nhất định. bạn có muốn biết mình thuộc cung sao nào và năng khiếu tiềm ẩn của bạn là gì không?

Cảm động tấm gương những người con hiếu thảo

Vượt qua nỗi đau bệnh hiểm nghèo để học tập tốt, chăm sóc cha bị bệnh,... là những gương người con được Thành đoàn, Hội đồng Đội TP. Hà Nội tuyên dương trong chương trình mang ý nghĩa nhân văn "Người con hiếu thảo".