Văn nghị luận xã hội: Năm câu hỏi để viết thành công

Sau đây là 5 câu hỏi giúp học sinh hình dung con đường đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện trong việc tạo lập đoạn văn 200 chữ. Văn nghị luận xã hội: 5 câu hỏi để viết thành công.

Trong đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn hiện nay, phần Nghị luận xã hội chỉ yêu cầu thí sinh tạo lập một đoạn văn có dung lượng vừa phải (200 chữ) về một vấn đề xã hội (tư tưởng đạo lý hoặc hiện tượng đời sống) được gợi ý ngay từ ngữ liệu của phần Đọc hiểu.

Dẫu còn có nhiều quan điểm, nhiều tranh cãi khác nhau, song viết đoạn văn nghị luận xã hội vẫn là một phần thi bắt buộc. Hiện tại, trên thị trường, cho dù đã có rất nhiều tài liệu hướng dẫn cách tạo lập đoạn văn 200 chữ nhưng phần lớn chỉ mới dừng lại ở những đoạn văn mẫu với những chủ đề quen thuộc, cho sẵn, không có một quy chuẩn nào cho các bạn học tập. Bởi vậy, học sinh vẫn còn khá loay hoay, lúng túng trong quá trình thực hiện yêu cầu này của đề thi.

Để phần nào định hướng và giúp cho các bạn hình dung một con đường đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện trong việc tạo lập đoạn văn 200 chữ, trong quá trình giảng dạy, chúng tôi thường hướng dẫn học sinh đi vào trả lời năm câu hỏi sau đây:

1. Cuộc sống xung quanh bạn đang diễn ra thế nào?

Mục đích của câu hỏi này là giúp các bạn khái quát được thực trạng cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình; biết quan tâm tới hoàn cảnh thực tế của xã hội nhằm giúp các bạn định hình, khái quát và giải thích được những ấn tượng chung: Cuộc sống đang diễn ra tốt đẹp, thuận lợi hay khó khăn, thách thức; đơn giản, xuôi chiều hay bộn bề, phức tạp; vận hội, thời cơ hay thử thách, bon chen và đầy cám dỗ… và đi kèm theo đó là một vài câu lý giải ngắn gọn cho những nhận định ban đầu ấy.

2. Trong bối cảnh ấy, mỗi con người cần hình thành cho mình những phẩm chất quan trọng nào?

Trên thực tế, vấn đề đặt ra ở câu hỏi này thông thường đã được gợi mở ngay từ chính mệnh đề của đề thi đưa ra để yêu cầu học sinh bàn luận. Bởi thế, giải quyết yêu cầu của câu hỏi này khá đơn giản. Các bạn chỉ cần lưu ý đến lời dẫn chuyển tiếp, liên kết, xâu chuỗi với những câu văn đầu đoạn và dẫn mệnh đề của đề thi vào một cách phù hợp là đã hình thành được phần tiếp theo của đoạn văn 200 chữ.

3. Bạn hiểu như thế nào về những phẩm chất mà mình đã lựa chọn?

Thực chất của câu hỏi này là yêu cầu học sinh có những sự hiểu biết nhất định về đời sống, lý giải được một cách cơ bản nhất nội hàm của phẩm chất được đưa ra bàn luận ở đề bài. Lẽ dĩ nhiên, đề thi có thể yêu cầu các bạn trình bày sự hiểu biết về một hiện tượng xã hội nhưng cách triển khai vẫn có thể đi theo một con đường chung như vậy. Đây là câu hỏi bắt buộc các bạn phải đưa ra khái niệm, những biểu hiện cơ bản của khái niệm được lựa chọn (yêu cầu) bàn luận trong thực tiễn cuộc sống đang diễn ra nhằm định hướng cho vấn đề sẽ được đi sâu làm rõ ở những câu văn tiếp theo.

4. Những phẩm chất ấy đã mang lại những lợi ích nào cho xã hội và cuộc sống bản thân mỗi con người?

Đây là câu hỏi giúp các bạn lý giải được lý do về sự lựa chọn của chính bản thân; bước đầu hình thành cho mình những quan điểm sống đúng đắn, lành mạnh, tích cực và tiến bộ; biết cách cư xử, sống hài hòa với môi trường xung quanh. Những kiến giải đó phải được xây dựng thành những lập luận vững chắc, có tính thuyết phục cao. Muốn vậy, ở câu hỏi này, học sinh bắt buộc phải có được những hiểu biết nhất định về thực tiễn của đời sống xã hội để có thể lấy được một vài dẫn chứng ngắn gọn, nhằm tăng sức thuyết phục cho lập luận mà mình đưa ra.

5. Thực tiễn đời sống xã hội và cuộc sống xung quanh bạn, con người (đặc biệt là giới trẻ) đã thực hiện tốt những phẩm chất ấy chưa? Bạn thấy mình cần phải làm gì để thực hiện tốt những phẩm chất ấy?

Câu hỏi này hướng tới hình thành ở các bạn năng lực khái quát hóa đời sống xã hội, từ đó có được cho mình những quan điểm, chính kiến khách quan được xây dựng trên cơ sở thực tiễn chứ không phải là những nhận xét chủ quan, mang tính chất cảm tính, chung chung. Đồng thời đặt ra cho các bạn nhu cầu bộc lộ tư duy phản biện, phê phán nhằm đi tới loại bỏ những quan niệm, những tư tưởng lệch lạc, sai trái… để từ đó hình thành cho bản thân thái độ, tư tưởng sống tích cực, lành mạnh, tiến bộ. Đây có lẽ cũng chính là mục tiêu cốt lõi của đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ trong đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn hiện tại hướng tới.

Đương nhiên, năm câu hỏi trên đây mà chúng tôi đặt ra cũng chỉ là một con đường trong vô vàn phương pháp. Có thể chưa tạo lập được những đoạn văn xuất sắc, nhưng tôi tin rằng, đó là một con đường khá đơn giản, dễ hình dung và thực hiện đối với tất cả các bạn học sinh với lực học vừa phải. Năm câu hỏi ấy giúp các bạn định hình được một cách tổng thể những nội dung cần xác lập, triển khai trong đoạn văn nghị luận xã hội của mình. Sau khi đã nắm được bức tranh tổng thể ấy thì việc đảm bảo tiêu chí về mặt hình thức, dung lượng đoạn văn và cả cách tạo lập văn bản, theo chúng tôi, sẽ không còn gì khó khăn và trở ngại với tất cả các bạn trên con đường hình thành một đoạn văn theo những tiêu chí mà đáp án đã đặt ra.

(theo GD&TĐ)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Văn nghị luận xã hội: Năm câu hỏi để viết thành công tại chuyên mục Cách Học Hay của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cách Học Hay khác

Văn hóa đọc là chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn

Chiều 31/01, trường TH Trần Phú, TP Hà Tĩnh tổ chức ngày “Hội sách Tết Giáp Thìn 2024”, tại buổi lễ các bạn được trải nghiệm nhiều hoạt động thiết thực như: Kể chuyện theo sách, giới thiệu về các mô hình thư viện ngoài trời theo từng chủ đề khác nhau, tham quan các gian trưng bày triển lãm sách...

Chắp cánh ước mơ khoa học

Các bạn nhỏ yêu thích máy tính và lập trình trên toàn quốc đã cùng nhau tỏa sáng tại cuộc thi Coding Olympic Vietnam do iGroup MangoSTEEMS Việt Nam phối hợp cùng Báo Thiếu Nhi niên Tiền Phong và Nhi đồng tổ chức.

Nhiều ứng dụng hữu ích từ mô hình STEM

STEM là mô hình giáo dục tiên tiến, tích hợp nhiều môn học và kỹ năng cần thiết giúp trẻ phát triển toàn diện. Hiện nay, mô hình giáo dục STEM được triển khai, tập huấn, nhân rộng trong nhà trường ngày càng nhiều.