Vệ tinh phát hiện “siêu ô nhiễm” làm Trái đất nóng lên

Ngọc Nguyễn (tổng hợp)
Một vệ tinh hiện đại đang bay quanh Trái đất hàng ngày, thực hiện nhiệm vụ săn lùng khí mê-tan – loại khí vô hình và siêu ô nhiễm được xem là "thủ phạm nguy hiểm nhất" gây biến đổi khí hậu.

MethaneSAT, thế hệ vệ tinh tiên tiến, có khả năng phát hiện nguồn phát thải mê-tan ở bất kỳ đâu trên thế giới. Dữ liệu từ vệ tinh này, khi kết hợp với công nghệ máy tính và trí tuệ nhân tạo của Google, cho phép phân tích và lập bản đồ chính xác các cơ sở hạ tầng dầu khí – lĩnh vực thường gây ra lượng lớn khí thải này.

Trước đây, việc đo đạc rò rỉ mê-tan dựa vào máy bay và camera hồng ngoại cầm tay, vừa tốn kém vừa mất thời gian. Phương pháp truyền thống này chỉ cho kết quả từng thời điểm và cần nhiều năm để tập hợp đủ dữ liệu phục vụ nghiên cứu. MethaneSAT mang đến bước đột phá lớn, giúp giám sát khí thải hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn.

Lập bản đồ các cơ sở hoạt động dầu và khí rất khó khăn. Vị trí của các giếng khoan, máy bơm công nghiệp và bể chứa thay đổi rất nhanh, vì thế bản đồ cũng cần được cập nhật thường xuyên. Một vệ tinh sẽ đáp ứng được yêu cầu này.

Những phát hiện ban đầu của MethaneSAT mới đây ghi nhận ngành dầu khí đang thải khí với tốc độ trung bình cao hơn từ 3-5 lần so với thống kê của Cơ quan Bảo vệ Môi trường và vượt xa với ước tính của ngành vào năm 2023.

Lưu vực Permian (Mỹ), một trong những lưu vực dầu khí năng suất nhất thế giới, đang rò rỉ khí mê-tan với tốc độ gấp 9 - 14,5 lần so với mức giới hạn mà ngành công nghiệp đặt ra. Lưu vực Appalachia (Mỹ) đang rò rỉ khí mê-tan cao gấp 4 lần so với mức giới hạn đặt ra. Và ở tiêu bang Utah (Mỹ), tỷ lệ rò rỉ ghi nhận gấp 45 lần so với mức giới hạn quy định.

"Đây thực sự là một phát hiện rất có ý nghĩa. Những hình ảnh mà chúng tôi bắt đầu thấy thực sự phi thường xét về độ chính xác tổng thể của dữ liệu", Ritesh Gautam, nhà khoa học cao cấp hàng đầu của MethaneSAT cho biết.

Khí mê-tan, chiếm tới 90% trong khí đốt tự nhiên, đã lâu bị đánh giá thấp và chưa được hiểu rõ đầy đủ. Điều khiến các nhà khoa học lo ngại là khí mê-tan giữ nhiệt gấp 80 lần so với carbon dioxide trong 20 năm đầu tiên trong khí quyển.

Antoine Halff, đồng sáng lập nhóm giám sát môi trường Kayrros, nhận định: “Việc đánh giá thấp mức phát thải mê-tan dẫn đến đánh giá thấp tác động làm nóng của nó. Đây thực sự là vấn đề lớn khi chúng ta không hiểu đúng quy mô để có giải pháp giảm thiểu mạnh mẽ.”

Những phát hiện gây sốc

Theo dữ liệu vệ tinh MethaneSAT, hơn nửa triệu giếng dầu ở Mỹ chỉ đóng góp 6-7% sản lượng dầu khí, nhưng lại gây ra 50% ô nhiễm mê-tan của ngành. Đặc biệt, tại lưu vực Nam Caspi (Turkmenistan), khí mê-tan được thải ra với tốc độ 970.000 pound mỗi giờ, cao hơn 1,5 lần so với lưu vực Permian (Mỹ).

Ông Halff cho biết Turkmenistan có cơ sở hạ tầng dầu khí cũ kỹ, khiến lượng khí rò rỉ tăng cao, dù quốc gia này đã ghi nhận một số cải thiện. Trong khi đó, ở Venezuela – quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới – vệ tinh lần đầu tiên thu thập dữ liệu về khí thải mê-tan ở các khu vực thường xuyên bị mây che phủ, nhờ công nghệ tiên tiến.

Thách thức và giải pháp

Rob Jackson, Chủ tịch Dự án Carbon Toàn cầu, khẳng định: “Cắt giảm ô nhiễm mê-tan là cách nhanh nhất để làm chậm cuộc khủng hoảng khí hậu.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng giải pháp triệt để vẫn là loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch.

Việc sử dụng vệ tinh như MethaneSAT mang lại bước đột phá trong giám sát và kiểm soát khí mê-tan – yếu tố then chốt để giảm tốc độ nóng lên toàn cầu. Ngành dầu khí cần hành động quyết liệt hơn để đối phó với "kẻ giấu mặt" này.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Vệ tinh phát hiện “siêu ô nhiễm” làm Trái đất nóng lên tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Những điều thú vị về chuột lang nước

Những chú chuột lang nước bằng bông đang khiến không ít người, đặc biệt là các bạn nhỏ điên đảo say mê vì vẻ ngoài mập mạp, dễ thương. Còn những chú chuột lang nước đang sống trong thế giới tự nhiên thì chắc chắn sẽ khiến bạn phát cuồng vì những điều thú vị được “bật mí” sau đây!

Những người thay đổi thế giới

Bạn biết không, trên thế giới có những người hùng không mặc áo choàng mà mặc áo khoác phòng thí nghiệm. Họ đã có những phát minh vĩ đại làm thay đổi cuộc sống của nhân loại.

Kawah Ijen: Núi lửa chứa hồ axit lớn nhất thế giới

Kawah Ijen, một núi lửa đang hoạt động, nổi tiếng với hồ axit có nồng độ cao nằm ngay tại miệng núi. Đặc biệt, khí gas từ núi lửa khi tiếp xúc với oxy tạo nên những ngọn lửa màu xanh huyền ảo, thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và du khách trên toàn thế giới.

Cực quang nhuộm xanh bầu trời đêm Iceland

Từ khoảng đầu tháng 9 đến tháng 4 năm sau, Iceland như khoác lên mình "chiếc áo" huyền ảo khi cực quang “nhuộm xanh” cả bầu trời, tạo nên cảnh tượng thiên nhiên kỳ vĩ.