Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm là dịp tôn vinh những cống hiến của các giáo viên đối với sự nghiệp dạy học.
Tri ân nhà giáo - Ngày hội của toàn thế giới
Tháng 7/1946, tổ chức Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục (FISE) được thành lập tại Thủ đô Paris (Pháp) với ý nghĩa tôn vinh những cống hiến và đóng góp to lớn của các giáo viên trong quá trình giảng dạy học sinh.
Năm 1949, FISE họp tại Thủ đô Warszawa, (Ba Lan) và thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương.
Từ ngày 26/8 đến ngày 30/8 năm 1957, Hội nghị FISA tổ chức tại Thủ đô Warszawa, (Ba Lan) có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo".
Năm 1994, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã quy định lấy ngày 5/10 hằng năm là ngày Nhà giáo thế giới.
Hiện nay, có khoảng 100 quốc gia tổ chức ngày Nhà giáo thế giới. Tuy nhiên, nhiều nước đã có ngày Nhà giáo riêng nên họ thường không tổ chức ngày Nhà giáo thế giới, điển hình như: Ấn Độ (5/9), Ba Lan (14/10), Séc (28/3), Malaysia (16/5), Peru (6/7), Thái Lan (16/1)...
"Tôn sư trọng đạo": Truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam
Xuôi dòng lịch sử, Việt Nam là quốc gia có nền văn hiến lâu đời, "Tôn sư trọng đạo" nét đẹp trong văn hóa, vì thế song hành với sự phát triển của đất nước và mang đậm bản sắc dân tộc.
Trong bài viết Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" xưa và nay đăng tải trên trang thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cho biết tinh thần này có từ thời Hùng Vương dựng nước.
"Theo cuốn Ngọc phả đình thôn Hương Lan (xã Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ), vào thời Hùng Vương thứ 18, niên hiệu Hùng Duệ Vương, từ vua đến dân rất quan tâm đến việc học hành, “Tôn sư trọng đạo”, tu thân và lập thân của con người. Vì thế, Vua Hùng Duệ Vương đã mời hai vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục (quê Bắc Ninh) vào cung dạy học trực tiếp cho hai công chúa mà nhà vua rất mực yêu quý là Công chúa Tiên Dung và Công chúa Ngọc Hoa" - trích bài viết.
Bài viết còn nêu rõ, khi hai vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang qua đời, Vua Hùng cùng người dân thôn Hương Lan tiếc thương công đức nên đã an táng ngay tại địa điểm lớp dạy học. Nhà Vua cũng cho phép thôn Hương Lan lập miếu để thờ cúng, hương hỏa cho thầy, cô.
Vậy, niềm tôn kính người thầy đã hiện diện trên quê cha đất Tổ từ hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên, trong hình dung của những cư dân thời điểm đó, "Tôn sư trọng đạo" vẫn còn giản dị và chất phác, chưa thật sự nâng thành quan niệm có tính trật tự, quy củ. Liên tiếp từ năm 179 đến năm 111 trước công nguyên, Triệu Đà và nhà Hán ra sức xâm chiếm nước ta và đổi tên thành châu Giao Chỉ. Giáo dục trong xã hội Việt cổ bắt đầu tiếp nhận các kinh điển lễ giáo đạo Nho.
Tinh thần "Tôn sư trọng đạo" trong kinh điển Nho gia Lễ Ký (một quyển thuộc Ngũ Kinh của Khổng Tử), thiên Học ký nêu quan điểm: "Tôn sư nhiên hậu đạo trọng" (tạm dịch: Tôn trọng thầy thì đạo được trọng) mang hàm ý phải tôn kính thầy để thực hành đạo lý. Trong Lễ Luận (trước tác của Tuân Tử) có câu: "Cố lễ, thượng sự thiên, hạ sự địa, tôn tiên tổ, nhi long quân sư, thị lễ chi tam bản" (tạm dịch: Cho nên là trên thờ trời, dưới thờ đất, tôn kính tổ tiên và quý trọng vua thầy. Đó là ba cái gốc của lễ), xác định "thầy" là một trong các đối tượng mà con người thực hành lễ nghĩa. |
Sang đến giai đoạn chế độ quân chủ phong kiến ngự trị xuyên suốt thời kỳ Trung Đại, dù đất nước lấy đạo Phật làm quốc giáo hay lấy Tứ thư Ngũ Kinh làm hệ quy chiếu của tư duy trong chế độ quân chủ Nho giáo - chữ của GS Trần Quốc Vượng - dẫu kinh qua hình thái xã hội nào nhưng vai trò người thầy lúc nào được xem trọng. Chúng ta vẫn còn nhớ những câu chuyện người học trò vinh quy bái tổ đình làng, dòng họ và người thầy đã dìu dắt trên con đường thành công.
Thời hiện đại, nhằm tôn vinh thầy cô đóng góp vào sự nghiệp trồng người, lần đầu tiên, ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958.
Sau năm 1975, trước thực tiễn đời sống và nguyện vọng của nhân dân cả nước, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26-9-1982 quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Không đợi đến năm 1982 chúng ta thiết lập ngày nhà giáo, mà trải qua bao nhiêu thế hệ, người Việt Nam luôn đề cao sự kính trọng đối với người thầy và điều đó hằng ngày qua tinh thần "Tôn sư trọng đạo".
Ngày Nhà giáo Việt Nam vì thế mang ý nghĩa kết tinh của văn hóa. Dù mỗi năm chỉ duy nhất một dịp 20/11 tri ân các nhà giáo, tuy nhiên người dân Việt Nam cùng thực hành tinh thần "Tôn sư trọng đạo" bằng hành động lễ phép trong và bên ngoài trường lớp, học tập đạt hiệu quả cao cũng là cách kính trọng thầy cô và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc ngàn đời.