Yêu cầu học sinh, giáo viên ý thức khi tham gia mạng xã hội

Thúy Quỳnh
Theo Thanh niên thông tin, ngày 20.11, Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ đạo các trường thực hiện công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn cho giáo viên và học sinh.

Theo đó, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường kịp thời nâng cao ý thức cho giáo viên, học sinh trong quá trình tham gia mạng xã hội và các diễn đàn internet.

Các trường phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những tiêu cực khi sử dụng internet, trò chơi điện tử có nội dung bạo lực, không lành mạnh. Đồng thời tăng cường việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thực hiện văn hóa giao thông trong thời gian tới.

Trước đó, theo Tri thức trực tuyến đưa tin vào chiều 1/11, cô Trần Thị Phương Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Đông Sơn 2 (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), cho biết từ đầu năm học 2017-2018, trường đã triển khai nội dung giáo dục mới để nâng cao văn hóa khi sử dụng mạng xã hội Facebook cho học sinh.

Theo đó, Ban giám hiệu nhà trường đã giao cho Đoàn Thanh niên và giáo viên chủ nhiệm triển khai những yêu cầu đối với học sinh khi sử dụng Facebook như sau: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt (...). Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt.

Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai. Chỉ like status (thích trạng thái) khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.

Tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status, nên phải viết rõ ràng. Facebook cũng là nơi thể hiện sự văn hóa của mỗi cá nhân, nên cân nhắc kỹ trước khi like một comment (bình luận) nào đó, hoặc viết trạng thái thể hiện tâm trạng của bản thân.

Facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên đây. Các nội dung này được Đoàn Thanh niên trường và giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho các em khi sinh hoạt dưới cờ hoặc trong các buổi sinh hoạt lớp. Có lớp tuyên truyền bằng miệng, có lớp thảo thành văn bản để các em dễ nhớ, tiếp thu.

Cũng theo phó hiệu trưởng trường THPT Đông Sơn 2, những nội dung này đã được trường tham khảo các quy định, phù hợp lứa tuổi học trò. Việc này để tránh những hệ lụy không đáng có khi học sinh sử dụng mạng xã hội.

"Mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trong học tập, đây cũng có thể là nguyên nhân của những mâu thuẫn, hiểu nhầm dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Vì thế, nhà trường triển khai những nội dung này", cô Thủy nói.

Cô Ngô Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A2, trường THPT Đông Sơn 2, chia sẻ trước kia, khi lên mạng xã hội, một số học sinh vẫn còn nói tục, chửi bậy nhiều.

"Sau khi thực hiện những lưu ý của nhà trường, có những thay đổi rõ rệt, học sinh không còn nói tục, chửi bậy và đặc biệt là khiêu khích nhau trên mạng", cô Hà vui vẻ nói.

Minh Phương (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Yêu cầu học sinh, giáo viên ý thức khi tham gia mạng xã hội tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.