Theo đó, các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên giao hàng (shipper) hướng dẫn người mua hàng trực tuyến cài đặt phần mềm giả mạo để hoàn tiền thanh toán đơn hàng. Khi cài đặt phần mềm giả mạo, người dân có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại; các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ bị ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý mà không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển ĐTDĐ từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chiếm đoạt tiền của người bị hại.
Cụ thể, đầu tháng 11-2024, chị B (2001, trú TP Hà Nội) có nhận được điện thoại của shipper (đối tượng lừa đảo đóng giả) thông báo có đơn hàng gửi đến. Chị B. yêu cầu để hàng vào nhà và thanh toán qua chuyển khoản. Sau đó, shipper đã gọi lại thông báo là gửi nhầm tài khoản thanh toán của shipper khác và yêu cầu chị B. truy cập vào một đường link của công ty giao hàng để nhận lại tiền gửi nhầm. Khi truy cập vào đường link, thực hiện theo hướng dẫn và quét mã QR thì tài khoản chị B bị trừ gần 100 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa, chị B đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Cũng vào đầu tháng 11-2024, một phụ nữ U40 ở xã miền núi Sơn Long (H. Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) suýt bị lừa mất 14 triệu đồng nếu như không được cơ quan Công an địa phương phát hiện, can thiệp kịp thời. Điều đáng nói, thủ đoạn lừa đảo mà người phụ nữ này gặp đã “xưa như trái đất” những vẫn cả tin. Theo đó, ngày 6-11, chị Đinh Thị R. (1988, trú xã Sơn Long) đến Cửa hàng Viettel ở xã Sơn Dung (H. Sơn Tây) để giao dịch chuyển 14 triệu đồng. Quá trình làm việc, nhân viên Cửa hàng Viettel nhận thấy chị Đinh Thị R. có dấu hiệu bị lừa đảo nên đã giải thích nhưng chị R. vẫn yêu cầu chuyển tiền. Với tinh thần cảnh giác, các nhân viên Cửa hàng Viettel đã kiên trì giải thích cho chị R. hiểu và thông báo cho cơ quan chức năng liên quan kịp thời ngăn chặn.
Nhận được thông tin trên, Công an xã Sơn Long đã mời chị R. đến trụ sở để làm việc. tại cơ quan Công an, chị R. trình bày, khoảng 2 tháng trước, thông qua mạng xã hội Facebook, chị có quen một người đàn ông tự xưng là người Anh. Hai người thường xuyên nhắn tin nói chuyện với nhau (không gọi điện thoại vì đối tượng nhắn tin rằng không biết tiếng Việt), sau đó đối tượng có bày tỏ tình cảm và được chị R. đón nhận. Đến ngày 1-11, đối tượng có nói sẽ gởi quà cho chị R., gồm: laptop, dây chuyền, vòng tay, đồng hồ và 50.000 đô-la. Đến ngày 4-11, có người gọi điện thoại cho chị R., tự xưng là nhân viên công ty chuyển phát, thông báo chị R. có quà gởi từ nước Anh về, yêu cầu chị đóng phí 14 triệu đồng để nhận số quà trên. Do đó, ngày 6-11, chị R. đến Cửa hàng Viettel ở xã Sơn Dung để thực hiện giao dịch chuyển số tiền như đã nói trên. Qua làm việc, Công an xã Sơn Long đã tuyên truyền, dẫn chứng nội dung một số vụ việc lừa đảo có nội dung tương tự để chị R. biết, qua đó chị R. đã nhận thức rõ mình đã bị kẻ gian lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại, nhiều người dân chưa có hiểu biết đầy đủ về các hình thức và thủ đoạn của loại tội phạm này, khiến họ dễ trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo qua mạng.Mặc dù cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng một số người dân vẫn thiếu cảnh giác, chỉ khi trở thành nạn nhân mới bắt đầu tìm hiểu thì đã muộn.
Vì vậy, để nhận biết, phòng ngừa và đối phó với tội phạm công nghệ cao nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng, người dân cần nắm rõ 10 “quy tắc vàng” sau: 1- Cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, đặc biệt là các số máy có đầu số nước ngoài. 2- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. 3- Không truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ. 4- Không mua, bán, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát. 5- Giữ bí mật, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, thông tin về tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. 6- Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể cả là của người thân, bạn bè. 7- Cần gọi điện xác nhận nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản mạng xã hội. 8- Khi tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm" thì không được sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Đồng thời, chỉ làm việc và liên lạc với ngân hàng để giải quyết vấn đề. 9- Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. 10- Không tin, nghe theo những lời lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối.
Với việc thực hiện đúng 10 “quy tắc vàng” nói trên, người dân có thể chủ động bảo vệ mình trước những mối nguy từ tội phạm công nghệ cao, đồng thời góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc đấu tranh và ngăn chặn loại hình tội phạm này.